[Marketing4u] Nhân đọc tin tức, các bài góp ý, phản biện của xã hội về chủ đề “Giáo Dục” đang được tranh luận sôi nổi trong nước, cũng như, sự bất ngờ trong đào tạo của chính mình ở thời điểm này (một cách gián tiếp & trực tiếp), tôi xin được góp thêm vào, theo một cách nhìn khác đơn giản, trực tiếp với cuộc sống thường nhật của chúng ta về văn hóa & giáo dục đồng thời nhân bài viết này được cảm ơn cha mẹ chúng tôi tự đáy lòng vì họ là người thầy, cuốn sách giáo dục đầu tiên trong cuộc đời chúng tôi, cũng như những giáo sư, thầy/cô, người chưa từng gặp mặt đã từng hướng dẫn, giảng dạy anh em chúng tôi bằng cách này hay cách khác.
Từ trong gia đình và mỗi cá nhân
Chúng ta phải nhìn nhận thực tế là đất nước còn rất nghèo, kể cả thời kỳ trước 1975, nhưng ở góc độ gia đình, theo truyền thống & văn hóa thì đa số các gia đình Việt Nam rất đông con (đông con vui nhà vui cửa, còn hao, giáo dục tính sau), vì với quan niệm “trời sinh voi sinh cỏ”, “mình sinh con, trời sinh tánh” nên vấn đề giáo dục đã có “vấn đề” từ gốc rể trong gia đình, mỗi gia đình là một thành viên của xã hội mà. Nhưng chúng ta lại không đặt vấn đề, tại sao gia đình này đa số con cái họ thành đạt, được học hành đến nơi đến chốn hơn gia đình khác?
Theo suy nghĩ, quan sát, nhìn nhận từ chính gia đình mình, tôi thấy tất cả là do chính những người lớn trong gia đình, người trụ cột của gia đình, có thể là ông/bà, cha/mẹ hoặc cô, chú bác, anh chị là những tấm gương đầu đời của những thành viên khác trong gia đình. Tôi sẽ lấy gia đình mình là ví dụ vì tôi không hiểu rõ hết các gia đình khác, nhưng tôi biết rằng, có rất nhiều gia đình cũng giống như gia đình chúng tôi, vượt qua mọi khó khăn để con cái họ thành đạt.
Chúng tôi xin đơn cử chính gia đình mình và hàng xóm: cha tôi là giáo viên dạy văn, rồi công chức nhà nước trước và sau năm 1975, cán bộ quản lý cho đơn vị kinh tế tư nhân và tối là giảng viên (đại học mở Tp.HCM, khi mới thành lập, theo lời mời vì thiếu giảng viên chuyên về tài chính ngân hàng), thời gian ông dành cho 3 anh em chúng tôi rất ít, không hề dạy chúng tôi mà chỉ trao đổi, nói chuyện khi chúng tôi hỏi, còn phần lớn là la rày và đánh chúng tôi khi có bất kỳ ai than phiền về sự phá phách. Còn mẹ chúng tôi là người nội trợ, lo kinh tế gia đình, bà học chưa hết lớp 10 nhưng bà là người dạy học và theo dõi sát việc học, sự trưởng thành của chúng tôi, nhưng gia đình chúng tôi khó khăn nhất xóm (khu Bùi Viện, Q.1), gia đình chúng tôi khó khăn hơn các bạn học cùng lớp tại thời điểm đó. Dù mẹ tôi học đến lớp mười nhưng nói về lạm phát hay tính toán kinh doanh thì chưa chắc những bạn mới tốt nghiệp đại học hiện nay so được.
Cuối cùng 3 anh em chúng tôi đều tốt nghiệp đại học và mỗi người thành đạt theo ngành nghề và cách riêng của mình, còn học sau đại học là do chúng tôi phải tự túc, đi làm có lương đóng học phí (việc ăn, uống, tiền nhà không cần lo vì chúng tôi vẫn ở chung với gia đình, đóng góp được bao nhiêu thì đóng góp), có khi chưa đủ tiền thì vay tiền của cha mẹ, anh em để đóng học phí, trong gia đình chính xác hơn là từ “mượn” nhưng phải trả, cho là khác, rất rõ ràng, tôi cho nó là bài học về trách nhiệm hành động, lời nói của mình. Ngoài đi làm ra, chúng tôi cùng nhau làm kinh tế cho chính gia đình mình bằng tiền tiết kiệm của gia đình tuy không lớn nhưng đó là những bài học về trách nhiệm gia đình, sự tiết kiệm, biết cách kiếm tiền và sử dụng đồng tiền do chính mình làm ra.
Thành đạt theo ý của ba me chúng tôi, tuy nhỏ nhoi, không nổi tiếng, mọi người biết đến nhưng ông bà hạnh phúc, vì chúng tôi không hư như những đứa trẻ khác trong xóm, và bạn học của chúng tôi, đó là hạnh phúc, là thành quả lao động cực nhọc, và phước đức của ông bà. Tôi thấy nói đúng hơn là “Thành Nhân” giáo dục để thành người lương thiện trước, rồi hãy học những thứ khác cao hơn. Trong khi các gia đình đầy đủ hơn, điều kiện tốt hơn thì sau này không được như ý, có người lại trở thành nhân viên làm việc cho chúng tôi với công việc lao động, nhưng họ rất kém về ý thức trách nhiệm với chính gia đình họ, công việc, đồng nghiệp. Nên nhớ là chúng ta đừng phân biệt anh làm nghề cao sang, hay hèn thấp, mà nghề nào nuôi sống mình một cách lương thiện, tự lực cánh sinh, biết trách nhiệm và trân trọng nghề mình làm đó là những con người đáng được trân trọng, dù học cao hay thấp, có bằng cấp hay không bằng cấp.
Đây là vài câu nói mà Ba Me chúng tôi nói với 3 anh em:
1. Ba me: ”Gia đình mình rất khó khăn, nên ba me chỉ có khả năng lo cho tụi con ăn học không thể sắm sửa đầy đủ được”, gia đình chúng tôi không có cả 1 cái tivi đen trắng, tôi phải dẫn em mình đi xem ké đủ thứ nơi tôi quen biết, nhiều khi đi xem “cọp” ở rạp hát Công Nhân và Đại Nam.
2. Ba me: “Nếu muốn ăn cái gì, nói với “Me” mua hoặc nấu ở nhà cùng ăn, không cho tụi con tiền như các bạn được” gia đình chúng tôi người gốc Huế nên mẹ là “Me”, Me tôi nấu ăn rất ngon, vì thế sau này nó là khó khăn khi ăn ở ngoài đường (kén ăn).
3. Ba me: “ Gia đình mình nghèo, nên Ba me không để lại được tài sản nào, nhưng ba me sẽ cố gắng để tụi con được ăn học đến nơi đến chốn, cái gì cho việc học là ưu tiên, vì vậy, 3 anh em phải cố gắng học, đó là tài sản của tụi con, chỉ có học mới có hy vọng đổi đời”
Thời điểm đó chúng tôi thật sự không hiểu thâm sâu của những điều này, nhưng với những câu nói này đã theo 3 anh em chúng tôi đến giờ, đến khi chúng tôi có con, chúng tôi lại áp dụng để dạy con mình, bài học giáo dục có thể áp dụng cho mọi thời kỳ. Và tôi chắc chắn với tất cả các bạn khi đọc những câu nói trên, sẽ thấy na ná giống giống, với những điều mà mọi gia đình hạnh phúc đều được nghe, hoặc chính các bạn cũng đã được nghe những điều giản dị này. Khi chính mình trải nghiệm cuộc sống luôn thay đổi, không phải lúc nào cũng toàn thảm đỏ hay hoa hồng, tôi hiểu thêm một điều, học không phải chỉ có ở trường mà là những gì xung quanh chúng ta nữa, vì anh em chúng tôi phải chở bột và đường tại chợ cầu ông Lãnh “ Cầu muối”, nếu chúng ta tinh ý, quan sát, đừng vô cảm với mọi sự việc xung quanh mình. Mặc dù, mọi việc xung quanh luôn thay đổi nhưng bạn có niềm tin, bạn kiên định thì bạn vẫn không thay đổi, dù hoàn cảnh thế nào? Đó là sự lương thiện, đạo đức, cần cù, kiên nhẫn, tiết kiệm. Bạn muốn mình trở thành người như thế nào là do chính mình quyết định chứ không phải hoàn cảnh. Cuộc đời bạn do bạn chịu trách nhiệm, cha mẹ hay bất kỳ ai cũng không phải chịu trách nhiệm điều đó. Nó đơn giản như thế này: “Nếu bạn ăn cắp/lừa đảo bị bắt, pháp luật sẽ chế tài, hoặc giam bạn, dù cha mẹ vẫn muốn ở thay mình nhưng họ vẫn không vào ngồi thay bạn được”
Chúng tôi nói những điều này để làm gì? Vì mong muốn rung hồi chuông thức tỉnh cho những người trụ cột, người lớn trong gia đình, và các thành viên trong gia đình phải nhìn lại chính trong gia đình mình, đừng vô cảm trước tất cả mọi việc xung quanh của chính gia đình mình, cố gắng theo dõi, bảo ban, đùm bọc lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình, thì đó mới gọi là “GIA ĐÌNH” còn không, thì nó được gọi là “người dưng nước lã”, và đừng vì rất nhiều lý do “khách quan”, “chủ quan” để đưa chính gia đình chậm lụt, phải hổ thẹn với liệt tổ liệt tông vì mình là thành viên của gia đình nên mình có một phần trách nhiệm dù lớn hay nhỏ. Đừng nói: “mình sinh con, trời sinh tánh”, vì “người thành công không được sinh ra mà được tạo ra”, nếu các bạn đọc tất cả các tài liệu, sách, nghiên cứu những người thành đạt, kể cả GS. Ngô Bảo Châu vừa đoạt giải “Nobel” của toán học, được thế giới tôn vinh đều phải lao động, dấn thân, tự học, tự hoàn thiện bản thân, các bạn cứ việc hỏi những người đáng kính xung quanh mình để chứng nghiệm điều đó.
Cộng đồng và xã hội
Chúng tôi hơi dài dòng về “GIA ĐÌNH” vì chúng tôi thấy, cần phải coi trọng “TỪ TRONG GIA ĐÌNH” vì nó là gốc rễ của tất cả những việc, kết quả, thành quả, hệ lụy của/cho xã hội, và trong dân gian cũng có nói, đại ý như: “Con ơi nhớ lấy lời cha một đêm ăn trộm bằng 3 năm làm”. Và chính tôi đã và đang phải làm công việc hướng dẫn và đào tạo này từ cái gì sơ đẳng nhất mà chính ra từ gia đình phải được người lớn truyền lại, có em không may mắn được chỉ vẻ do hoàn cảnh gia đình nhưng có những em quá vô cảm với chính gia đình mình, mặc dù những đứa em này mới tốt nghiệp đại học loại khá trở lên, và có vài danh hiệu, tuy trách nhiệm của tôi chỉ đào tạo các em về marketing và bán hàng. Các bạn thử tưởng tượng nếu với số lượng những em có hoàn cảnh gia đình như thế vào đời thì xã hội sẽ như thế nào? Tôi chỉ mới nói đến những em có hoàn cảnh khó khăn đấy nhé. Tôi được nghe rất nhiều từ anh công nhân, nhân viên văn phòng, người có chức vụ trong các doanh nghiệp tư nhân, và chính các em tôi đang đào tạo nói những câu đại loại như thế này: “Lương tâm không bằng lương tháng” hay “Lương tâm không bằng lương thực”, “Anh đó có trả lương tôi đâu mà tôi nghe ảnh”, v.v…thì tất cả nó, tôi cho là cũng giống y như câu trên “Con ơi nhớ lấy lời cha một đêm ăn trộm bằng 3 năm làm”. Những câu như vậy thật sự rất phổ biến trong xã hội ngày nay, chúng được truyền từ người lớn có kinh nghiệm sống, thì thử hỏi người trẻ sẽ thế nào nếu toàn nghe và bị đầu độc như thế! Tự chúng ta suy ra hệ lụy cho cộng đồng và xã hội. Đúng ra chúng ta phải truyền cho người trẻ kỹ năng sống, kỹ năng thiết yếu để tồn tại trước đã, tức “Sống”, trên bờ, dưới ruộng, dưới sông,v.v…, nhưng sống thì phải sống thế nào nữa?
Ở đây, chúng ta đang nói đến cộng đồng rất nhỏ, nơi công sở, trong từng khu phố, xóm giềng cần có tính cộng đồng, xã hội ở đây rất cao, hay chúng ta chỉ nói với nhau câu cửa miệng “tình làng nghĩa xóm” hay “bà con xa không bằng láng giềng gần” hay đó chỉ là “bằng mặt mà không bằng lòng”, chúng ta giả tạo từ trong nhà, ra tới ngoài ngỏ xóm thì làm thế nào chúng ta đến trường, tới công sở không giả tạo được. Con người chúng ta ai cũng muốn mình ở chung với người tốt, láng giềng tốt, người sang trọng nhưng chúng ta đang thực hiện điều này bằng cách là tìm nhà, chuyển chổ ở, nơi mà tập hợp nhiều người tri thức, cán bộ viên chức, khu biệt thự, khu này khu khác sang trọng, chứ chúng ta không nghĩ, mình là người xấu thì dù ở đâu mình cũng là người xấu hoặc là chuyển hết lần này đến lần khác không có chổ nào là tốt cả, thì sao? Hay giải pháp tốt nhất như bây giờ là đèn nhà ai nấy sáng, kính cổng cao tường. Tất cả việc này sẽ sinh ra hệ lụy nó không phải chuyện của mình đừng dính vào, nhưng khi chính nhà mình có việc trộm cướp hay người nhà bị rủi thì nhớ ra “đèn nhà ai tự sáng lấy” và trách móc hàng xóm thấy sao không nói nhỉ!
Thời chúng tôi nhỏ, thời bao cấp nhưng tình xóm giềng rất vui, đi chơi xa Vũng Tàu 3 ngày, đóng cửa gởi nhà hàng xóm là bình thường, tôi không biết còn ai nhớ không, thời đó xóm nào có người lạ vào thì được cảnh báo, hỏi thăm bằng những câu rất đơn giản “Anh/chị vào kiếm ai?” nếu họ lý gian thì được theo dõi. Có người cắt cớ sẽ nói, lúc đó nghèo có gì trong nhà đâu mà nhập nha “trộm cướp”, vậy tôi hỏi lại lúc này chắc chúng ta giàu lắm hay vì 50.000 đ có là gì mà vẫn có người gặp rủi, cao hơn chiếc điện thoại thì bị giật, tại chính khu phố mình, các bạn cứ đọc tin hằng ngày trên báo Công An Thành Phố sẽ rõ. Lúc xưa có bảng “Khu phố văn hóa” không? Nhưng lúc này có. Vấn đề không phải cái bảng mà vấn đề “Tình làng nghĩa xóm”, hoặc giả nếu mình có thiện chí thấy đứa trẻ nào hư, mình chỉ vẻ hay la rày thì lại có vấn đề với cha mẹ chúng, đó là gì? Văn hóa ứng xử ở chổ này, đó là “Khu phố văn hóa” tất cả chúng ta ai cũng biết “Nước xa không thể cứu lửa gần” thì lấy đó mà chiêm nghiệm, chẳng lẽ thời bao cấp nghèo, thiếu thốn chúng ta mới làm được như thế, còn bây giờ sung túc không thể? “Phú quý sinh lễ nghĩa” là sai rồi sao?. Tôi nhớ thời xưa đó quá!
Vì chúng ta hiểu rằng tâm lý chung của người Việt mình là không dám qua hỏi ông/bà hàng xóm về cách làm thế nào để nuôi con được như ông/bà này nọ, vì tự ái hay mất thể diện v.v….chuyện của riêng mình khó nói với người khác, sợ bị chê cười mặt vậy mà không biết dạy con, hay là chúng ta chỉ có cái tài khi thấy người khác sung túc, giàu hơn thì ganh ghét, đố kỵ, mà không chịu tìm hiểu tại sao họ giàu? Mình nên tìm hiểu và học cách làm giàu chính đáng của họ, cũng như mình học cách dạy con thành đạt của họ vì tương lai con em chúng ta đúng nghĩa, đúng không quý vị. Và chính bản thân mỗi cá nhân cũng có đủ phương tiện, điều kiện để tự học, tự hoàn thiện mình, mạng internet, báo, sách điện tử, kho tri thức vô tận của thời đại thông tin. Tôi cũng từng nghe câu chuyện về người buôn bán không có học gởi con cho ông thầy đồ nuôi dạy, chắc chắn quý vị cũng đã nghe những mẫu chuyện tương tự như vậy. Thì trường học hiện nay nhận lãnh trách nhiệm này với qui mô lớn hơn và phải làm tốt hơn thầy đồ ngày xưa, khi thời này có đủ phương tiện hơn ngày xưa rất nhiều chứ! Con mình thì mình làm được còn đó là con thiên hạ bỏ mặc hay sao? Hỡi các “giáo chức”, thực sự lúc này không còn “giức cháo” nữa rồi mà, chỉ có cực nhọc hơn vì thế giới xung quanh thay đổi quá nhanh, tâm tính, nhu cầu, sự giải trí của các em, hãy thực thi với cái tâm, lương tri của mình.
Nếu tất cả chúng ta cùng suy nghĩ đơn giản, đừng “UFO” quá vì mọi việc, mọi chất liệu đều có sẵn trong hiện tại, cuộc sống thường nhật vẫn đang diễn ra và chúng ta nên đặt vấn đề: Có công thức nào để nhân rộng số gia đình thành đạt không? Tiêu chuẩn căn bản và cốt lõi nhất của một cá thể khỏe mạnh của xã hội là như thế nào? Khi đã tìm ra được những mẫu số chung này, nó là giá trị/ tiêu chuẩn căn bản nhất để thực hiện cải cách, chuyển đổi cho công tác giáo dục nói chung. Tại sao những con người đã xây dựng được một gia đình tương đối thành công, mình lại không nghiên cứu, tìm hiểu xem cách thức giáo dục trong gia đình, quan hệ, tương tác của họ thế nào, để rồi chia sẻ với những gia đình khó khăn, không có điều kiện, để tất cả mọi người cùng học tập, phổ biến rộng rãi trong phổ cập giáo dục rất phù hợp về không gian & thời gian. Cùng với điều đó, đất nước chúng ta có rất nhiều vị tâm huyết và có kinh nghiệm trong giáo dục hãy mời họ, cả trong lẫn ngoài nước với thương hiệu made in Vietnam, chúng ta đâu cần phải đi đâu xa, sang Tàu sang Tây, hay phải tập hợp những người siêu phàm. Chính anh em chúng tôi là sản phẩm của những vị đáng kính đó, bằng cách học trực tiếp & gián tiếp, và tự học ở trong và ngoài nước, qua sách vỡ, tài liệu, internet, cũng giống như mọi người dân bình thường vẫn có với sự lao động, chăm chỉ, kiên trì, tiết kiệm nhưng chúng tôi hiểu được giá trị một lời nói, lời khuyên, góp ý, khiển trách, ý kiến trái ngược theo hiểu biết của mình đều là giáo dục “Nhất tự vi sư bán tự vi sư”, nếu quý vị nào biết nguyên Giám đốc kỹ thuật CLB Hoàng Anh Gia Lai thì ông là người thầy đáng kính, tôi gọi là bố vì ông là láng giềng của gia đình, tôi vẫn còn giữ liên lạc khi ông rời CLB, ngoài việc hướng dẫn tôi đá bóng cùng với những thứ căn bản mà tôi trình bày trên (thời đó, nói chính xác là tôi rất mê làm cầu thủ bóng đá, nhưng tôi đã đi theo con đường khác, tôi không có duyên với nó).
Phải nói là anh em chúng tôi rất may mắn khi gặp rất nhiều người thầy/cô đáng kính, tận tâm chỉ vẻ điều hay lẽ phải, có những người chúng tôi chưa hề gặp mặt, chỉ trao đổi qua e.mail. Chúng tôi thấy những việc này không đến nỗi phức tạp mà phải tranh luận hết năm này sang năm khác, trước tiên, suy nghĩ làm thế nào đào tạo ra con người mẫu mực, còn học thêm gì nữa hãy để các em tự quyết định, gia đình hay trường chỉ là nơi định hướng, hướng dẫn các em thật tốt, chứ chúng ta đừng bắt toàn bộ các em là đại học, kỹ sư, thạc sỹ, tiến sĩ hết. Thử tưởng tượng xã hội toàn là “Tiến Sỹ” thì ai làm việc bình thường khác, còn việc phân công lao động, hãy để người sử dụng lao động và người lao động tự thỏa thuận.
Bài viết này chúng tôi không có mục đích hay chủ ý dạy đời hay thuyết giáo, đó chỉ là thiển ý góp vào với xã hội nhằm mang lại cho xã hội những điều tốt đẹp, một cái nhìn đơn giản mà chúng tôi đã trải nghiệm, thực nghiệm và chính anh em chúng tôi đã được hưởng từ xã hội, đó là trách nhiệm công dân chúng tôi phải làm, và hiện tại tôi cũng đang làm công tác đào miễn phí hoàn toàn cho các bạn trẻ mới ra trường hay những nhân viên tôi được gặp trong các dự án tư vấn, hay chính nhân viên của mình. Bằng cách này hay cách khác trong khả năng của mình tôi vẫn có thể thực thi được trách nhiệm công dân là cánh tay nối dài để thực hiện những ước nguyện mà những giáo sư, những thầy/cô, những người đáng kính đã chia sẻ cho chúng tôi. Tôi quan niệm ở đâu mình cũng có thể đào tạo được các bạn trẻ, thời điểm này tôi không có mặt trên bất kỳ giảng đường nào dù tôi có rất nhiều cơ hội trước đây. Và chúng tôi cũng hy vọng mọi người dân, cá nhân, trong xóm giềng, khu phố, cộng đồng nhỏ hay ở trong doanh nghiệp hãy thức tỉnh để thấy rằng “Văn hóa” “Giáo dục” là việc rất quan trọng. Những người trưởng thành, những người có trách nhiệm nên đóng góp vào công cuộc cải cách và đổi mới văn hóa, giáo dục tại nước ta. Hay chúng ta chỉ biết than phiền, kêu ca, phản ánh về tình trạng kẹt xe, ô nhiễm môi trường, sụt lún, ý thức giao thông người dân kém? Xả rác. Đôi khi chiêm nghiệm lại, chính những công dân như chúng ta là những người khơi nguồn, ươm mầm cho những điều tệ hại này!
Ba anh em
Quý Hải
(*) Vì anh em chúng tôi mỗi người mỗi nơi không còn ở gần cha me nữa, tôi thay mặt để viết bài này, để chia sẻ với các bạn trẻ, cảm ơn cha mẹ mình, và những người đáng kính đã dạy cho chúng tôi.