[Marketing3k.vn] Danh ngôn có câu “Điều kỳ lạ là: tất cả các dòng sông lớn nhỏ đều tìm cách đổ về biển cả để rồi tự đánh mất mình”. Có lẽ câu nói này đã đúng với câu chuyện muôn thuở là đậu - rớt và học đại học.
Một trong những từ thời sự nhất suốt mấy tháng nay là từ “đại học”: thi đại học, đậu đại học, rớt đại học, bây giờ còn có cả chuyện nhiều trường đại học lôi kéo thí sinh. Thử tạm dừng một chút trong dòng chảy đại học để suy xét, sẽ thấy chuyện vào đại học, đâu có đơn giản chỉ là đậu hay rớt.
Nỗi ám ảnh đại học
Đại học luôn luôn là ước mơ của rất nhiều người, đặc biệt là những bạn trẻ. Trẻ con đi học vài năm, người lớn đã hỏi “Lớn lên con muốn làm gì?” Câu trả lời thường là làm cô giáo, làm bác sĩ, và cách tốt nhất để trở thành cô giáo hay bác sĩ luôn được mặc định là vào đại học. Lên cấp ba, nhiều bạn đã bắt đầu nghĩ đến ngôi trường đại học tương lai của mình, có bạn còn nghĩ đến sớm hơn, nhưng thời điểm nghĩ đến, nói đến đại học rầm rộ nhất là những tháng ngày học lớp 12. Đến ngày làm hồ sơ thi đại học thì còn cao trào hơn nữa, bạn bè hỏi nhau “Bồ muốn thi đại học nào?”, cha mẹ anh chị chú bác người hỏi han, người cho lời khuyên đủ thứ. Tiếp theo là đến thời điểm ăn đại học, ngủ đại học. Sĩ tử thức đêm thức hôm ôn tập, phụ huynh lo lắng tẩm bổ, động viên, hối thúc, van váy phật trời, tất cả vì một mục tiêu duy nhất: vào đại học.
Nhưng cánh cửa đại học đâu có đủ rộng cho hàng triệu thí sinh. Thế nên mới có cảnh kẻ khóc người cười. Và mới có cảnh suy sụp, tự tử chỉ vì không đậu đại học.
Gần đây, chất lượng thí sinh có phần thuyên giảm, điểm chuẩn quá cao đối với nhiều thí sinh, nên nhiều trường đại học ồ ạt xin Bộ Giáo dục – Đào tạo áp dụng điều 33 quy chế tuyển sinh để hạ điểm chuẩn. Bên cạnh đó là đủ các cách thưởng tiền, thưởng điểm để thu hút thí sinh. Điều này một mặt nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển đủ chỉ tiêu của trường, mặt khác lại đáp ứng nhu cầu tìm trường đại học của thí sinh và phụ huynh. Sau kỳ thi căng thẳng, sau những ngày hồi hộp chờ kết quả, xã hội vẫn còn rầm rập chạy tìm lối vào trường đại học.
Thực tế cho thấy, có rất nhiều người bị hai tiếng đại học ám ảnh. Có người bị ám ảnh bởi những ngôi trường đại học danh tiếng, nhưng cũng có người chỉ cần đó là trường đại học là tốt rồi.
H.Châu, một học sinh trung bình, từng lưu ban một năm, ngày thi đại học hăng hái đăng ký Đại học Kinh tế TP.HCM. Bạn ấy không đậu nên xét tuyển vào Đại học Hùng Vương và hiện đang học trường này. Lực học của Châu cũng vẫn trung bình như ngày trước, nhưng học đến năm hai, Châu có mong muốn thi đại học một lần nữa, lần này Châu nhắm đến… Đại học Bách khoa TP.HCM. Rõ ràng, Châu bị ám ảnh bởi những ngôi trường danh tiếng.
Còn Thùy Linh, một học sinh giỏi nhưng vì tâm lý ngày thi không tốt nên trượt vào trường đại học mơ ước. Kỳ thi cao đẳng Linh đậu Cao đẳng Công nghiệp Thực phẩm (nay là Đại học Công nghiệp Thực phẩm), tuy nhiên vì gia đình không muốn bạn học cao đẳng, nên Thùy Linh đã phải xét tuyển vào một trường đại học khác. Sau một năm học tập, Linh nhận ra mình đã sai khi chọn vào trường này bởi chất lượng đào tạo quá thấp. Linh và gia đình đều tiếc rẻ: “Phải ngày đó học Công nghiệp Thực phẩm thì tốt quá, vì bây giờ trường cũng đã thành… đại học rồi”. Tóm lại, vẫn là vấn đề đại học.
Đậu đại học có là quan trọng nhất?
Đậu đại học thì thích thật đấy, nhưng mấy ai hiểu rằng, đậu đại học chưa chắc đã có thể học đại học. Học đại học thật sự là phải học ở một trường đào tạo có chất lượng và bản thân người học phải có đủ khả năng học ở ngôi trường chất lượng ấy. Hầu hết người ta chỉ nghĩ rằng, rất khó để đậu đại học, nhưng ít ai biết rằng để học đại học cho tốt còn khó hơn. Nhiều sinh viên có học lực không được “cừ” lắm đã không chịu đựng nổi áp lực của việc học đại học: phải học một buổi học rất dài, rồi tiểu luận, rồi thuyết trình, làm việc nhóm, đi thực tế, viết báo cáo, thi cử cũng hết sức nặng nề, không phải môn học nào cũng hứng thú, thi rớt phải học lại, rồi sống xa nhà bị lôi kéo vào đủ trò ăn chơi. Nhiều thí sinh đậu đại học ngày nào giờ đây trượt dài: học hành không mục đích, không biết mình đến trường để làm gì, tương lai mình sẽ đi về đâu… Thế mới biết, vấn đề chính không phải là đậu đại học, vấn đề chính là học đại học.
Thường thì ai cũng khao khát đại học, ai cũng tự hỏi làm sao để mình vào đại học. Nhưng có mấy ai tự hỏi trường đại học này đào tạo có chất lượng không, và mình có thực sự đủ năng lực học đại học? Nếu không đủ thì mình nên làm gì cho phù hợp hơn, để khả năng của mình được phát huy tốt hơn? Thực tế, có nhiều sinh viên sau khi vào đại học đã không ít lần tự hỏi mình, liệu tôi đã lựa chọn đúng?
V. Butulescu từng nói: “Điều kỳ lạ là: tất cả các dòng sông lớn nhỏ đều tìm cách đổ về biển cả để rồi tự đánh mất mình”. Phải chăng câu nói này đã đúng ở trường hợp này? Hy vọng khi đứng trước ngưỡng cửa vào đời, các teen sẽ suy nghĩ thật kỹ để có lựa chọn chính xác nhất, và đừng để dòng thác đại học cuốn chúng ta trượt dài.
DUNG DUNG - Muctim
Các bài khác:
- [Vn+] Thanh tra ngay trong quá trình xét tuyển đại học
- [VGP] Năm học mới sẽ tinh giản và giảm tải nội dung dạy học [Vn+] Giáo dục xây dựng con người Việt Nam toàn diện
- [DT] Trường học còn xem nhẹ giáo dục lối sống cho HS, SV [TT] Không trung thực, tâm hồn sẽ mất đẹp
- [TTVH] Những “nhân tài” dưới điểm trung bình
- [TN] Chi phí của một sinh viên học đại học [DT] Thịt ôi, cá ươn vào nồi cơm sinh viên
- [NLĐ] Người lớn làm sai, con trẻ thiệt
- [CAND] Vừa học vừa lo trường... sập
- [TP] Nàng dịch sách, chàng nuôi heo…
- [TTVH] Nhà văn Phan Việt: Cực đoan không phải là lựa chọn mà là tất yếu [NLĐ] Văn học tìm về giá trị cũ
- [SGTT] “Gặp Phật giết Phật” hay về một cách đọc Kẻ phản Kitô của Nietzsche
- [CATP] Khi dân teen chơi tiếng lóng
- [VnEx] 'Ca dao, tục ngữ' thời hiện đại (Phần 5)
- [VnEx] Hoàng My: ‘Tôi biết lắng nghe trái tim mình’
0 nhận xét:
Speak up your mind
Tell us what you're thinking... !