Marketing online:

Home » , » Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Không “dồn toa” tín dụng

Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Không “dồn toa” tín dụng

Đăng bởi: Quý Hải | Nhà tư vấn on 2 thg 9, 2011 | 9/02/2011

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ
Vũ Đức Đam chủ trì buổi họp báo chiều 1/9
- Ảnh: Từ Nguyên.
[Marketing3k.vn] Ngân hàng Nhà nước sẽ có những giải pháp hữu hiệu, đảm bảo ổn định tiền tệ để làm sao người gửi tiền thực sự có lãi, người có vàng cũng được lợi.Đến nay tăng trưởng tín dụng thực của hệ thống là 11,7% và hoàn toàn không có “dồn toa” cung tín dụng những tháng cuối năm.

Khẳng định trên được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đưa ra tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, chiều 1/9.

Phải chỉ ra nguyên nhân lạm phát

Tại buổi họp báo, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã truyền đạt lại những nội dung chỉ đạo của Thủ tướng tại phiên họp Chính phủ vừa kết thúc trước đó.

Đánh giá của Thủ tướng và các thành viên Chính phủ cho thấy, trong 8 tháng đầu năm, dù nhiều chỉ số vĩ mô cơ bản đã được cải thiện, song nhìn chung nền kinh tế vẫn còn khó khăn, khủng hoảng nợ công, giá vàng tác động nhiều đến tình hình trong nước. 

Trước thực tế đó, Chính phủ khẳng định không ít vấn đề cần phải nhìn thẳng và tìm ra giải pháp hữu hiệu như tại sao lạm phát lại cao như vậy, có phải do tiền tệ, cơ cấu kinh tế hay điều gì khác...

Người đứng đầu Chính phủ giao cho các bộ, ngành phải bàn thật sâu về lạm phát, nguyên nhân và giải pháp đẩy lùi, tìm ra căn bệnh kinh niên, không được né tránh nguyên nhân, phải thẳng thắn xem yếu kém ở đâu để sửa, phấn đấu từ nay đến cuối năm thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 11, phấn đấu đạt 6% GDP cả năm. Sang năm 2012, GDP phải ở mức 6,5%, các chỉ số vĩ mô đều phải tốt hơn so với năm nay.

Đặc biệt, để cắt giảm đầu tư công, sắp xếp lại nguồn vốn, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng đã quyết định tạm dừng cấp phép mới các tất cả dự án mới trong lĩnh vực khai thác khoáng sản để tập trung vốn cho các dự án đang triển khai, nhằm đảm bảo đầu tư có hiệu quả.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng sẽ ưu tiên sử dụng các khoản tăng thu để trả nợ, phấn đấu mức bội chi ngân sách 2011 ở mức 4,9% GDP, thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội giao 5,3%. Đồng thời tổ chức triển khai nhanh chóng, kịp thời việc miễn, giảm, giãn thuế cho các tổ chức, cá nhân theo chỉ đạo trước đó Thủ tướng.

Đối với các giải pháp tài chính ngân sách trong 4 tháng còn lại của năm 2011, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, cho biết cơ quan này sẽ tăng cường công tác quản lý thu, nhất là các khoản thu liên quan đến đất đai, kinh doanh bất động sản, tài nguyên khoáng sản...

Đồng thời Bộ sẽ giám sát chặt chẽ việc cắt giảm các khoản đầu tư công, phân bổ việc sử dụng trái phiếu Chính phủ và tín dụng đầu tư, thu hồi các khoản đầu tư tại các dự án sai phạm, tập trung cho các công trình, dự án cấp bách.

Dân có vàng - giàu, nước giữ vàng - mạnh

Trả lời báo giới về loạt các giải pháp nhằm bình ổn thị trường vàng, chống các hiện tượng đầu cơ, làm giá trên thị trường, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định, giá vàng thế giới lên từng ngày, trong khi trong nước chưa kịp điều chỉnh, khi chênh lệch cao thì đầu cơ có đất.

Tuy nhiên, không có chuyện những người làm công ăn lương, về hưu đi xếp hàng để mua vàng như một số thông tin phản ánh.

Ngược lại, Chính phủ đã có những giải pháp để đảm bảo cho mọi người dân lao động có thể sử dụng đồng tiền tiết kiệm của mình an toàn và hiệu quả nhất. Cụ thể là lãi suất tiền gửi đạt 14%, thậm chí một số ngân hàng thương mại còn cao hơn, tỷ giá ổn định để gửi ngoại tệ cũng có lợi.

Giá vàng tăng 36% trong 8 tháng, trong tháng vừa qua giá vàng tăng 18% nên làm cho những người có tiền rất “xúc động”, và kết quả là họ bán vàng ra trong suốt thời gian từ tháng 4 đến tháng 7, ngược với xu hướng tích trữ vàng từ trước tới nay.

Nhưng bắt đầu từ tháng 8, do giá vàng tăng nhanh quá nên xu hướng bán chững lại, cộng với một số người có xu hướng mua vào nên tạo ra sự khan hiếm trong ngắn hạn trên thị trường vàng, kéo theo đó là hiện tượng đầu cơ trục lợi từ hoạt động kinh doanh vàng.

Trước thực tế đó, Ngân hàng Nhà nước đã kiên quyết cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng để ngăn chặn việc chênh lệch giá quá lớn. Hiện Ngân hàng Nhà nước cũng đã trình Bộ Tư pháp thẩm định nghị định quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh vàng để Chính phủ ban hành trong thời gian tới.

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước cũng đã đề xuất Chính phủ để cơ quan nhà nước sẽ huy động vàng trong dân thông qua các tổ chức tín dụng vì theo luật định thì người dân vẫn có quyền mua bán, tích trữ, sở hữu vàng... nhưng không ít người không biết để vàng ở đâu.

“Dân gửi vàng cho nhà nước thì sẽ an tâm tuyệt đối”, Thống đốc nhấn mạnh. “Với đề án này thì chúng ta có thể sẽ thực sự làm nên câu chuyện “dân giàu nước mạnh” vì dân có vàng thì dân giàu, mà nhà nước giữ vàng thì nước sẽ mạnh”.

Không có chuyện “dồn toa” tín dụng

Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, hiện có một số thông tin cho rằng do dư địa tín dụng còn khá lớn nên nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ “đẩy” tiền ồ ạt ra thị trường, cộng với lãi suất cao, rất có thể sẽ ảnh hưởng đến chủ trương chống lạm phát, đi ngược lại mục tiêu của Chính phủ.

Tuy nhiên, khẳng định của người đứng đầu ngành ngân hàng là không có chuyện đó, vì định hướng là vẫn kiên quyết thực hiện Nghị quyết 11, thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, ổn định kinh tế vĩ mô.

“Tín dụng của chúng ta hiện không có gì khác so với kịch bản các năm trước. Đến nay tăng trưởng tín dụng thực của hệ thống là 11,7%. Giả định năm nay tăng trưởng tín dụng dưới 20% (khoảng 18%), thì chúng ta cũng đã thực hiện được khoảng hơn 70% kế hoạch”, ông Bình cho hay.

Thống đốc lý giải, với con số thực hiện hơn 70% mà so với bình quân của các năm trước thì còn cao hơn nhiều, bởi các năm trước chỉ đạt khoảng từ 55 - 60% trong 8 tháng. Do đó hoàn toàn không có biểu hiện “dồn toa” cung tín dụng trong những tháng cuối năm.

Hơn nữa, theo Thống đốc Bình, mặc dù mục tiêu đặt ra cho tăng trưởng tín dụng cả năm là 20% nhưng không nhất thiết là phải sử dụng hết vì tăng trưởng tín dụng còn phải cân đối với mục tiêu đặt ra là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Cũng theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, trong thời gian qua, về lý thuyết đã có thể giảm được lãi suất vì nó theo đúng diễn biến nội tại của nền kinh tế, lạm phát đã có xu hướng giảm chứ không phải do ý muốn chủ quan của một ai.

Hơn nữa, nếu để lãi suất cao như hiện nay thì các tổ chức tín dụng cũng không dễ gì mà cho vay ra được. Do vậy, Thống đốc Bình khẳng định, việc giảm lãi suất là đòi hỏi bức xúc của nền kinh tế, trong đó có cả hệ thống các ngân hàng thương mại.
Theo VnEconomy
Các bài khác:
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

0 nhận xét:

Speak up your mind

Tell us what you're thinking... !

Tư vấn Quản trị - Tiếp thị - Thương hiệu

Nhà tài trợ

 
TOP