Ảnh: Theo Anninhthudo |
[Marketing3k.vn] Cuộc khủng hoảng nợ công tại khu vực đồng tiền chung châu Âu ngày càng diễn biến phức tạp, trở thành mối quan tâm toàn cầu đang gây lo ngại cho sự phục hồi của nền kinh tế thế giới. Những kịch bản tồi tệ nhất không chỉ trên lục địa này mà khả năng lặp lại cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu như 3 năm trước không được giới chuyên môn loại trừ.
Theo ông Deepak Mishra, chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới World Bank tại Việt Nam phân tích thì cả năm nay và năm 2008 đều có tình trạng khi bất ổn xảy ra thì giá hàng hóa cũng tăng vọt. Cả 2 thời điểm mọi biến động đều bắt nguồn từ những nước phát triển, sau đó gây ảnh hưởng đến toàn thế giới. Sự giống nhau cuối cùng đó là bản chất của 2 cuộc khủng hoảng đều xuất phát từ tình trạng đi vay quá mức, có điều năm 2008 người dân vay ngân hàng quá mức, còn năm nay là các Chính phủ đã đi vay quá nhiều.
Một điều khác biệt là nếu như năm 2008, gần như những thông tin đều không thể dự đoán được, đều gây choáng váng và bất ngờ, đặc biệt là sự sụp đổ của Ngân hàng Lehmanth Brothers, thì năm nay, tình trạng nợ công của các Chính phủ châu Âu đều đã được cảnh báo từ vài năm trước. Sớm muộn thì tình trạng vỡ nợ sẽ xảy ra.
Ngoài ra, sự khác biệt lớn nhất đó là năm 2008 cuộc khủng hoảng xuất phát từ dưới lên, nghĩa là từ các ngân hàng bởi họ đã cho vay quá mức và là các khoản vay dễ dãi, dưới chuẩn. Còn năm nay khó khăn do từ trên xuống, nghĩa là từ các Chính phủ. Các Chính phủ vay nợ quá nhiều, chi tiêu quá nhiều, khiến nợ công tăng vọt, kinh tế theo đó yếu kém, thị trường tài chính, nhà đầu tư, người dân mất lòng tin. Kết quả là các ngân hàng lần này là nạn nhân chứ không phải là nguyên nhân gây khủng hoảng.
Châu Á cũng đang bị tác động từ bất ổn của các nước phương Tây, ví như tình trạng rút vốn trên tại các thị trường mới nổi, hay xuất khẩu của châu Á có thể bị ảnh hưởng do kinh tế các nước phát triển đi xuống. Tuy nhiên, châu Á lại có những công cụ và lợi thế nhất định để vượt qua những ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng. Như việc châu Á là một thị trường khá tiềm năng nên có thể củng cố thị trường này bằng cách thúc đẩy mạnh nhu cầu tiêu dùng nội địa, tránh phụ thuộc vào việc xuất khẩu sang các thị trường phát triển. Đây là nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và IMF về tăng nhu cầu tiêu dùng trong nước và thương mại trong khu vực để tránh được tác động xấu từ thị trường EU.
Với các nước ASEAN, hầu hết các nhà phân tích hy vọng, không bị các tác động lớn từ Liên minh châu Âu (EU). Nhưng Việt Nam cũng giống như Indonesia, Singapore, đều là nền kinh tế nhỏ, song khá mở, xuất khẩu lại chiếm tỷ trọng lớn cũng sẽ bị tổn thương từ những cú sốc của kinh tế toàn cầu. Indonesia đã nhanh chóng chuyển hướng tăng mạnh nhu cầu trong nước, dự báo tăng 6,4% GDP trong năm 2011, phần lớn là từ kết quả kích thích tiêu dùng trong nước. Lãi suất thấp và ổn định đã tạo ra cả đầu tư và tiêu dùng bất động sản, tiêu dùng cá nhân ở Indonesia tăng đều. Đồng Rupiah luôn ổn định, tỷ lệ thất nghiệp và nghèo đói có xu hướng giảm, tầng lớp trung lưu tăng nhanh.
Còn các nền kinh tế quá hướng ngoại như Thái Lan và Malaysia sẽ chịu các tác động từ EU khi sự sụt giảm trong nhu cầu của khu vực này làm giảm hàng xuất khẩu của Thái Lan và Malaysia về đồ điện và điện tử, và hàng hóa khác. Malaysia đã cố giắng giảm sự phụ thuộc vào các nền kinh tế tiên tiến khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra, nhưng phần lớn hàng xuất khẩu của nước này vẫn nhắm tới thị trường Mỹ, EU và Nhật Bản.
Trong khi đó, theo đại diện IMF Dennis Botman khẳng định, cam kết giảm thâm hụt ngân sách, giảm nợ công, thắt chặt hoạt động của ngân hàng, tích lũy, tận dụng các dòng tiền cho phép Việt Nam tránh né được cuộc suy thoái năm 2008 và 2009. Đó là một trong số ít quốc gia đã làm như vậy trong cuộc khủng hoảng đó.
Các dự báo ngắn hạn của IMF về GDP tăng trưởng trong năm nước ASEAN (Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan) trung bình khoảng 5,5% cho phần còn lại của năm 2011 và 2012, kéo theo dòng vốn đầu tư mạnh mẽ, sẽ bù đắp sự suy giảm của xuất khẩu (giữ vai trò động lực tăng trưởng kinh tế). Các dự báo của IMF tương tự các dự báo khác về triển vọng tăng trưởng GDP 5,4% cho khu vực Đông-Nam Á trong năm nay và 5,6% trong 2012. Và còn có một lợi thế, đó là khi các nền kinh tế toàn cầu hồi phục, thì các nền kinh tế mở như Việt Nam sẽ hồi phục trước tiên và nhanh chóng, hơn hẳn các nền kinh tế lớn.
Theo Anninhthudo - Hữu Việt
Các bài khác:
- [VnEx] Chưa rõ cơ sở cho mục tiêu lạm phát dưới 10%
- [DT] 10 vụ siêu lạm phát tồi tệ nhất trong lịch sử
- [NLĐ] Làm đẹp, sạch hơn hoạt động ngân hàng
- [VTC] Nợ đầm đìa, EVN phá sản giấc mơ chứng khoán, viễn thông
- [VeF] Vinashin xin ‘tái cơ cấu’ nợ thuế 40 tỷ đồng
- [VTV] "Giấy phép con là nguồn dễ gây tham nhũng"
- [NLĐ] Thuế giảm, giá ô tô vẫn khó hạ
- [Bee] Đừng vội vã hạn chế phương tiện cá nhân
- [LĐ] Hà Nội: Ẩn hoạ... rình rập trên đường ray tàu hỏa
- [CAND] Thực hư việc tráo đổi thể thủy tinh tại Bệnh viện Mắt Hà Nội
- [TN] Liều mạng làm đẹp
- [ĐV] Khi khoa học trở thành công cụ tuyên truyền
- [QĐND] Đừng nhầm lẫn từ “nhân dân” trong hiến pháp
- [TTVH] “Danh bất chính, thì ngôn bất thuận…”
0 nhận xét:
Speak up your mind
Tell us what you're thinking... !