Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn |
[Marketing3k - Kinh tế Việt Nam] Động thái giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước hiện nay cho thấy các nhà lãnh đạo tiền tệ Việt Nam đã nhận thức được nguy cơ và đang quyết tâm thực hiện những điều cần làm nhằm tạo điều kiện giảm chi phí tài chính cho các doanh nghiệp Việt Nam, giúp họ có thể tồn tại trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay.
Trong bối cảnh lạm phát đang suy giảm mạnh (năm tháng đầu năm chỉ tăng 8,5% so với 18,7% của năm trước), tình hình sản xuất kinh doanh trầm lắng và vẫn còn nhiều doanh nghiệp tư đang ngấp nghé bờ vực phá sản, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2012 giảm thấp hơn nhiều so với con số kỳ vọng là 6,1% trước đây (theo dự báo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là 5,2%, còn theo báo cáo của Ngân hàng HSBC là 5,1%), nguy cơ suy thoái đang như lưỡi gươm Damoclès treo lơ lửng trên nền kinh tế khi tồn kho hàng hóa và tình trạng mất công ăn việc làm đang có chiều hướng gia tăng nguy hiểm, quyết định của Ngân hàng Nhà nước giảm trần lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại từ 11%/năm xuống còn 9%/năm được cả giới doanh nghiệp, ngân hàng, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, các tổ chức tài chính quốc tế đón nhận như một tín hiệu lạc quan, làm lóe lên tia hy vọng cho viễn cảnh phục hồi kinh tế.
Động thái giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước hiện nay cho thấy các nhà lãnh đạo tiền tệ Việt Nam đã nhận thức được nguy cơ và đang quyết tâm thực hiện những điều cần làm nhằm tạo điều kiện giảm chi phí tài chính cho các doanh nghiệp Việt Nam, giúp họ có thể tồn tại trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, phải chăng quyết định đưa mức lãi suất xuống dưới 10%/năm đã đến khá muộn màng? Về vấn đề này, có nhiều ý kiến khác nhau. Một số nhà phân tích cho rằng nếu việc giảm lãi suất được thực hiện sớm hơn và mạnh mẽ hơn, có thể đã không xảy ra tình trạng doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ chết hàng loạt trong năm 2011 và vào những tháng đầu năm 2012. Vào thời điểm hiện nay, giảm lãi suất như một bát nước đến muộn không thể cứu được những doanh nghiệp đang chết khát.
Việc được chủ động ấn định lãi suất huy động dài hạn sẽ giúp các ngân hàng chủ động hơn trong việc huy động nguồn tiền dài hạn từ trong khu vực dân cư. Ảnh T.T |
Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Nghiên cứu của Dragon Capital có một cái nhìn khác hơn, ông cho rằng: "Ngân hàng Nhà nước đã đúng khi không giảm lãi suất nhanh trong ba tháng của năm 2012 vì lạm phát quý I lúc đó còn rất cao, đến 14,2%. Đến tháng 5, lạm phát giảm xuống mức 8,4% và kỳ vọng đến tháng 6 lạm phát trong sáu tháng đầu năm sẽ về mức gần 7%. Lạm phát trong nước đang trên chiều giảm rất mạnh, thêm vào đó, một số nước khác còn đang lo lắng về giảm phát. Do đó, việc giảm mạnh lãi suất vừa qua của Ngân hàng Nhà nước, theo tôi, là hợp lý". Hai cái nhìn khác nhau cho thấy các nhà kinh tế luôn có những quan điểm khác nhau về giải pháp kinh tế vĩ mô và về các mục tiêu ưu tiên của chúng. Có người cho rằng chống lạm phát ưu tiên hơn việc cứu sống các doanh nghiệp vì sản xuất kinh doanh rồi sẽ phục hồi khi giá cả ổn định trong lâu dài, có người cho rằng sự sống còn của doanh nghiệp, công ăn việc làm của người lao động mới là mục tiêu quan trọng hơn hết của các biện pháp kinh tế vĩ mô, dù ngắn hạn hay lâu dài.
Nhưng điều có ý nghĩa hơn bên cạnh việc giảm lãi suất trần huy động ngắn hạn chính là quyết định mạnh dạn của Ngân hàng Nhà nước thực hiện tự do hóa thị trường lãi suất bằng việc dỡ bỏ trần lãi suất cho các khoản huy động tiết kiệm dài hạn của các ngân hàng thương mại. Kể từ nay, các ngân hàng được chủ động ấn định một mức lãi suất cạnh tranh cho việc huy động nguồn vốn trung và dài hạn mà không e ngại bị "huýt còi" từ Ngân hàng Nhà nước. Quyền chủ động ấn định lãi suất sẽ giúp hệ thống ngân hàng cung cấp những sản phẩm tiết kiệm dài hạn đa dạng với những mức lãi suất khác nhau tùy kế hoạch huy động cho vay của mỗi ngân hàng, và nhất là tùy dự báo riêng biệt của mỗi ngân hàng về sự tiến triển trong tương lai của các yếu tố kinh tế vĩ mô.
Ngay khi Ngân hàng Nhà nước vừa cho phép tự do hóa lãi suất dài hạn, các ngân hàng đã có những áp dụng khác nhau: Tại các ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, Đầu tư Phát triển (BIDV), Ngân hàng Á Châu (ACB), Đông Á, SeABank, Nam Á, Sacombank, VPBank, lãi suất huy động VND các kỳ hạn dài đều cao hơn các kỳ hạn ngắn, thể hiện một phương pháp bài bản và một dự báo ổn định về lãi suất trong tương lai, khác với trước đây khi các ngân hàng này huy động tiết kiệm kỳ hạn dài với mức lãi suất còn thấp hơn kỳ hạn ngắn. Ngược lại, tại VietinBank, Techcombank..., lãi suất huy động VND lại xuống thấp ở các kỳ hạn dài, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn sau 12 tháng hoặc từ 24 tháng được ấn định thấp hơn các kỳ hạn ngắn, điều này có nghĩa là các ngân hàng này dự báo lãi suất có thể sẽ giảm thêm nữa trong tương lai. Có ngân hàng như Ngân hàng Phương Tây (Western Bank), lãi suất huy động vẫn ở mức 8,8%/năm được áp dụng cho tất cả các kỳ hạn từ 1-36 tháng, điều này có nghĩa là họ muốn tập trung huy động kỳ hạn ngắn, không muốn mở ra huy động kỳ hạn dài vì sợ rủi ro trong tương lai.
Hệ quả của việc cho phép các ngân hàng thương mại chủ động ấn định lãi suất huy động trung và dài hạn rất quan trọng, nó có thể làm thay đổi tính chất nguồn vốn huy động của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam, tạo một tiền đề vững vàng cho sự phát triển lâu dài của hệ thống. Trước đây, các ngân hàng thương mại Việt Nam hầu hết hoạt động dựa vào các khoản huy động ngắn hạn, các nguồn tiết kiệm huy động dài hạn chiếm tỷ lệ rất thấp trên tổng nguồn vốn huy động. Điều này khiến cho độ an toàn của hoạt động tín dụng ngân hàng giảm thấp, rủi ro thanh khoản rất cao, đó chính là nguyên nhân khiến các ngân hàng thương mại Việt Nam luôn luôn phải chạy đua tăng lãi suất khi gặp khó khăn thanh khoản, dẫn đến hiện tượng lãi suất ngân hàng thường xuyên tăng ảo, không phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tế của nền kinh tế. Một môi trường ngân hàng hoạt động ngắn hạn với lãi suất quá cao là một thiệt thòi quá lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam và cho nền kinh tế Việt Nam.
Từ nay, chúng ta có thể kỳ vọng một sự gia tăng mạnh mẽ các nguồn tiền dài hạn từ trong khu vực hộ gia đình, điều kiện cơ bản cho việc hình thành các nguồn lực tài chính ổn định của hệ thống ngân hàng. Các ngân hàng thương mại của chúng ta sẽ hoạt động an toàn hơn, thanh khoản của hệ thống ngân hàng trở nên ổn định hơn, các doanh nghiệp của chúng ta sẽ có thể trông cậy nhiều hơn vào hệ thống ngân hàng trong nước trong việc tài trợ các dự án đầu tư phát triển dài hạn. Tương lai kinh tế lâu dài của đất nước đã có thể trông cậy vào nguồn nội lực bền bỉ của người dân trong nước và thói quen dè sẻn của họ, và không những doanh nghiệp mà cả người tiết kiệm của chúng ta đang bắt đầu có một cái nhìn dài hạn hơn.
Hạ giảm lãi suất trong tình hình kinh tế hiện nay là một liều thuốc đúng, nhưng có lẽ nền kinh tế cần nhiều hơn thế để có thể vượt qua vũng lầy suy thoái. Paul Krugman, kinh tế gia Mỹ được giải Nobel năm 2008, trong quyển sách mới đây nhất tựa đề: Chấm dứt suy thoái ngay (End The Depression Now) đã kêu gọi chính phủ Mỹ phải hành động để cứu nền kinh tế thoát khỏi vũng lầy suy thoái bằng cách giảm lãi suất, mở rộng tín dụng và tăng cường chi tiêu nhà nước. Ông cho rằng hiện nay đã có đủ các kiến thức và công cụ để đối phó với cuộc đại suy thoái kinh tế không phải riêng của nước Mỹ mà cả toàn cầu bằng những giải pháp hiệu quả, vấn đề hiện nay là các chính phủ đang thiếu ý chí chính trị để thực hiện ngay lập tức các giải pháp đó.
Sự phục hồi kinh tế của Việt Nam có thể còn tùy thuộc khá nhiều vào sự phục hồi của nền kinh tế thế giới, và trong khi Mỹ và Tây Âu còn loay hoay tìm lối ra, ảnh hưởng suy thoái của nó sẽ vẫn còn tác động không nhỏ đến nền kinh tế của chúng ta. Tuy nhiên, có những điều chúng ta có thể làm được để tự cứu. Điều quan trọng nhất trên cả các vấn đề như lạm phát, nợ công, cơ cấu kinh tế... là tạo công ăn việc làm cho người lao động, phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh. Hiển nhiên là đối với bất cứ nền kinh tế nào, bất cứ trong tình hình nào ngoại trừ chiến tranh và thiên tai, ưu tiên cho việc tạo công ăn việc làm cho người lao động trẻ cần việc và những người vừa mất việc, đồng thời duy trì công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho những người đang có công ăn việc làm tại các doanh nghiệp công cũng như tư vẫn phải là ưu tiên số một của chính sách kinh tế vĩ mô của chúng ta, dù đó là chính sách tiền tệ hay chính sách tài khóa.
Hạ giảm lãi suất là một bước đi đúng nhưng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần làm nhiều hơn thế. Các doanh nghiệp của chúng ta, người lao động của chúng ta đang cần một chính sách tín dụng mở rộng, một chính sách thuế khoan dưỡng sức dân, một sự hỗ trợ mạnh mẽ và tích cực của Nhà nước cho sự phục hồi và phát triển của khu vực kinh tế tư doanh, cho việc xây dựng một môi trường đầu tư lạc quan hơn và đáng tin cậy hơn. Muốn vậy, các khoản nợ doanh nghiệp tại ngân hàng cần được giải quyết tốt, theo một quan điểm cởi mở, vì lợi ích chung của nền kinh tế. Hơn lúc nào hết, giờ đây rất cần một sự hợp tác keo sơn gắn bó giữa Chính phủ, hệ thống ngân hàng, các doanh nghiệp công cũng như tư và toàn thể cộng đồng, nhằm tạo nên một sự đồng thuận xã hội hướng đến mục tiêu cường thịnh của đất nước.
Theo DNSGCT/TVN - Huỳnh Bửu Sơn
Các bài khác:
- [VeF] Xử lý nợ xấu: Ngân hàng quốc doanh tính sao? - [DĐDN] Minh bạch và trách nhiệm người đứng đầu - [Bee] "Biết được cứu sẽ làm liều. Tiền chùa mà!"
- [VeF] Địa ốc TPHCM: Chiêu bán hàng lạ - Bộ Xây dựng trình các phương án cho người mua nhà vay tiền
- [VnEx] 'Giai đoạn phát triển kinh tế dễ dàng đã qua'
- [VnEc] Bộ Xây dựng nói gì về việc xây khu đô thị ven vịnh Cam Ranh?
0 nhận xét:
Speak up your mind
Tell us what you're thinking... !