Marketing online:

Home » , , » Điều chỉnh chính sách kinh tế trước tình hình mới

Điều chỉnh chính sách kinh tế trước tình hình mới

Đăng bởi: Quý Hải | Nhà tư vấn on 25 thg 5, 2014 | 5/25/2014

Tỷ lệ nhập khẩu từ Trung Quốc của ngành dệt may phải nhanh chóng giảm từ mức 65% hiện nay xuống mức an toàn hơn. Ảnh: THANH TAO[Chiến lược kinh doanh] Nhiệm vụ kinh tế đã đột ngột trở nên nặng nề và khó khăn hơn, nước ta đang vừa phải nỗ lực bảo vệ chủ quyền trên biển, vừa phải chuẩn bị cho những phương án xấu hơn có thể xảy ra trong quan hệ với Trung Quốc.

Rất mong kỳ họp Quốc hội từ ngày 20-5 này kịp thời phân tích tình hình, có quyết định điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, chi tiêu ngân sách thích hợp ở tất cả các ngành, các cấp.

Cần lấy tinh thần bảo vệ biển của các lực lượng và quyết tâm bám biển của ngư dân chúng ta trên biển Đông làm tấm gương cho tất cả người lao động noi theo trong hoạt động kinh tế - xã hội, có thái độ nghiêm khắc với các hành vi tham ô, lãng phí, lễ hội phô trương, hình thức; cắt giảm mạnh chi tiêu thường xuyên không thiết yếu cho nhiệm vụ cấp bách hiện nay; điều chỉnh các hạng mục đầu tư công đồng thời cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh đối với các doanh nghiệp dân doanh và điều kiện sản xuất của nông dân.

Cần tận dụng cơ hội này để cải cách mạnh mẽ bộ máy, kỷ cương, chế độ làm việc, làm cho bộ máy gọn nhẹ hơn, có hiệu lực hơn, gần dân hơn.

Hơn bao giờ hết, cần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hạn chế tối đa bội chi ngân sách, duy trì lạm phát và tỷ giá ổn định, duy trì thị trường vàng và thị trường chứng khoán hoạt động bình thường. Tác động về việc làm và thu nhập của một số người lao động là không tránh khỏi, cần được hạn chế bằng các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp dân doanh thu hút thêm nhân công và mở rộng hoạt động của kinh tế gia đình, kinh tế nông nghiệp bên cạnh các biện pháp trợ cấp, giúp đỡ của Chính phủ.

Tái cơ cấu nền kinh tế càng trở nên cấp bách, bất khả kháng và không thể trì hoãn. Trong 110 nhóm hàng nước ta nhập từ Trung Quốc với giá trị lên đến 36,96 tỉ đô la Mỹ năm 2013 có rất nhiều sản phẩm là linh kiện đầu vào cho sản xuất của nước ta, trang thiết bị cho dự án đầu tư đang triển khai. Nếu Trung Quốc ngừng xuất khẩu sang Việt Nam thì khối lượng đó chỉ bằng 1% tổng xuất khẩu của Trung Quốc nhưng tương đương với 28% tổng nhập khẩu của Việt Nam và gây ra tác động dây chuyền không nhỏ đối với nền kinh tế nước ta.

Mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp cần nhận thức rõ ràng và đầy đủ nguy cơ đó, kịp thời điều chỉnh chuỗi cung ứng của mình để nâng cao giá trị gia tăng trong nước, giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu truyền thống từ Trung Quốc.

Thí dụ như ngành dệt may, da giày cần nhanh chóng nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, đa dạng hóa nguồn nhập khẩu các linh kiện, phụ liệu từ các nền kinh tế khác để giảm khả năng bị tổn thương. Tỷ lệ nhập khẩu từ Trung Quốc của ngành dệt may phải nhanh chóng giảm từ mức 65% hiện nay xuống mức an toàn hơn.

Điều đó đòi hỏi nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp và sự hỗ trợ của các ngành liên quan. Đây cũng là cơ hội để dệt may và da giày chuyển mạnh từ tình trạng gia công sang chủ động sản xuất theo tín hiệu thị trường. Và điều này hoàn toàn phù hợp với yêu cầu về xuất xứ hàng hóa để được hưởng ưu đãi thuế của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà nước ta đang tích cực đàm phán. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU cũng mở ra một khả năng có thị trường mới cho xuất khẩu của nước ta nếu được ký kết vào cuối năm nay.

Ngành điện cần có phương án bù đắp nguồn nếu Trung Quốc ngừng bán điện cho nước ta.

Năm 2013, Việt Nam xuất khẩu 13,32 tỉ đô la Mỹ sang Trung Quốc, chủ yếu là nông sản, nguyên liệu thô. Các doanh nghiệp cần chủ động tìm những thị trường xuất khẩu mới thay thế cho thị trường này để chuẩn bị cho những khó khăn có thể xuất hiện.

Với các công trình đầu tư do các nhà đầu tư và nhà thầu Trung Quốc để lại dở dang, cần tìm ra giải pháp thích hợp để bảo toàn công trình, hạn chế thất thoát và tìm nguồn để kết thúc công trình.

Trung Quốc hiện đứng thứ 8 trong 10 nhà đầu tư nước ngoài lớn vào nước ta, chủ yếu đầu tư vào sắt thép, xi măng, bauxite. Vì xi măng, sắt thép đang ở trong trạng thái dư thừa, việc ngưng các dự án này chủ yếu sẽ tác động đến việc làm và thu nhập của người lao động.

Nếu tích cực, khẩn trương có đối sách, Việt Nam có thể hạn chế các tác động tiêu cực trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc, có thể mạnh lên trong quá trình tái cơ cấu kinh tế này.


Tin bài khác:
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

Tư vấn Quản trị - Tiếp thị - Thương hiệu

Nhà tài trợ

 
TOP