Marketing online:

Home » , » "Chứng khoán xanh - đỏ theo chính sách tiền tệ là sai"

"Chứng khoán xanh - đỏ theo chính sách tiền tệ là sai"

Đăng bởi: Quý Hải | Nhà tư vấn on 12 thg 8, 2011 | 8/12/2011

[Marketing4u.vn] Tân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình khẳng định, hiện đã có đủ các yếu tố khách quan và giải pháp để giảm lãi suất cho vay xuống 17-19%/năm.

Đồng thời, ông Bình cũng cho rằng, hệ thống ngân hàng đã đi sai một bước khi đẩy lãi suất huy động lên quá cao, cạnh tranh thu hút vốn của thị trường chứng khoán (TTCK)...

Thưa Thống đốc, trong điều hành chính sách tiền tệ, vấn đề nào sẽ được ưu tiên xử lý trong những tháng tới?

Với mục tiêu chính là kiềm chế lạm phát, chính sách tiền tệ vẫn được điều hành chặt chẽ, nhưng cũng hết sức linh hoạt để phù hợp với thực tiễn kinh tế Việt Nam. Trên tinh thần đó, NHNN đặt ra mục tiêu trọng tâm số 1, xuyên suốt đến cuối năm nay và thậm chí cả các năm sau là đảm bảo ổn định giá trị VND. Đồng thời, giảm mặt bằng lãi suất cho vay đối với các hoạt động sản xuất - kinh doanh lành mạnh xuống mức 17 - 19%/năm, tiếp tục kiểm soát cho vay bằng ngoại tệ vốn tăng trưởng đã tương đối nóng và thị trường vàng. Tất cả các giải pháp của NHNN sẽ trên một bình diện chung là đảm bảo thực hiện tăng trưởng tín dụng của hệ thống không vượt quá 20% và tổng phương tiện thanh toán ở mức khoảng 15 - 16% trong năm nay.

Giảm mặt bằng lãi suất cho vay xuống mức 17 - 19%/năm liệu có khả thi, thưa Thống đốc?

Tôi khẳng định là giảm được, bởi 3 lý do sau:

Thứ nhất, tính đến thời điểm hiện tại, thanh khoản cũng như vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD) tương đối tốt. Hơn 2 tháng nay, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng luôn bình ổn, dao động trong khoảng 12 - 15%/năm, phụ thuộc vào các loại hình giao dịch. Nếu so mặt bằng lãi suất chung với tỷ lệ lạm phát hiện nay thì tỷ lệ này khá ổn định, thậm chí theo đánh giá của tôi là hơi thấp, đáng lẽ còn phải cao hơn 1%. Khi vốn đã có, giữa các ngân hàng vay mượn lẫn nhau với lãi suất tối đa khoảng 15% nghĩa là vốn cho nền kinh tế đã sẵn sàng.

Tuy nhiên, hiện còn một số vướng mắc, thực tế do chính những quy định của NHNN trước đây khiến cho thị trường 2 và thị trường 1 không liên thông được, nên đã không điều hòa được vốn giữa các TCTD. Điều này đã được đặt ra và chúng tôi sẽ xử lý, điều chỉnh kịp thời trong thời gian tới.

Thứ hai, hiện số ít TCTD có sự mất cân đối rất lớn giữa nguồn và sử dụng nguồn, nên đôi khi gây ra những nhu cầu thất thường trên thị trường, từ đó làm cho tâm lý ổn định của thị trường bị ảnh hưởng. NHNN sẽ có những giải pháp để đảm bảo các TCTD tồn tại, phát triển một cách lành mạnh.

Thứ ba, mặc dù vốn đã có nhưng tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống còn rất thấp, thậm chí trong tháng 7 vừa qua tăng hầu như không đáng kể. Nguyên nhân là lãi suất cho vay cao quá nên những DN làm ăn nghiêm túc không thể tiếp cận được. Do vậy, chính các ngân hàng cũng đặt ra yêu cầu giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ các DN lành mạnh, bởi đó cũng là nền tảng hoạt động của ngân hàng.

Tóm lại, tất cả các điều kiện khách quan đã có, chỉ còn lại quyết tâm của các TCTD cũng như sự điều hành khéo léo của NHNN là sẽ đạt được mục tiêu giảm mặt bằng lãi suất.

Có ý kiến cho rằng, yếu tố dẫn đến TTCK suy giảm mạnh hiện nay liên quan đến chính sách tiền tệ. Quan điểm của Thống đốc về điều này?

Tôi khẳng định quan điểm này là không đúng. Thị trường tài chính có ba cấu phần quan trọng: ngân hàng (thị trường tiền tệ), TTCK (thị trường vốn), bảo hiểm. Thị trường tiền tệ là thị trường vốn ngắn hạn chỉ có 364 ngày, còn TTCK là thị trường vốn trung và dài hạn. Vậy tại sao lại bắt thị trường vốn ngắn hạn đầu tư vào thị trường vốn trung và dài hạn? Tất nhiên, trong một tỷ lệ, một thời gian ngắn nhất định thì điều này được cho phép, nhưng nếu là nguồn chính để nuôi thị trường vốn là điều hết sức vô lý. Vấy đề này cần phải nghiêm cấm.

Theo thống đốc, đâu là nguyên nhân khiến thị trường vốn hầu như phải phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường tiền tệ?

Nhu cầu đầu tư của nền kinh tế trên 40% GDP, trong khi tích lũy chỉ khoảng 20%, như vậy 20% còn lại phải đi vay mượn. Chủ trương chung là phải huy động vốn nước ngoài, nhưng chủ yếu là trung và dài hạn để bù đắp phần thiếu hụt giữa tích lũy và đầu tư, còn hạn chế vay nợ ngắn hạn. Như vậy, kể cả vay nợ nước ngoài cũng không hoàn toàn khuyến khích, nên không thể hoàn toàn đáp ứng nguồn vốn. Từ đó, nhu cầu vốn cho nền kinh tế lúc nào cũng được đặt ra rất căng thẳng để làm sao cho bù đắp được 20% còn lại.

Trong khi nhu cầu vốn hiện hữu của nền kinh tế là rất lớn. TTCK lại liên tục trồi sụt làm người dân thiếu tin tưởng vào thị trường này. Do vậy, để đáp ứng nhu cầu vốn, các TCTD huy động vốn và cho vay cật lực, nên tăng trưởng tín dụng của hế thống ngân hàng trong nhiều năm trước lúc nào cũng cao ngất ngưỡng 30-40%/năm, thậm chí có những năm là 50%. Như vậy là tăng trưởng quá nóng.

Mục tiêu cơ bản trên thị trường ngắn hạn là bảo toàn vốn, có thể có một phần lãi, không vì mục đích lợi nhuận hay đầu cơ tiền tệ. Nhưng do nhu cầu vốn lớn nên ngân hàng huy động bằng mọi giá, đẩy lãi suất lên rất cao trong thời gian qua, biến ngân hàng thành chỗ đầu cơ tài chính của nền kinh tế. Rõ ràng, hệ thống ngân hàng đã đi sai về mặt bản chất, hút hết vốn của nền kinh tế thì còn đâu vốn cho TTCK nữa. Điều này dẫn đến, khi nào NHNN nới lỏng chính sách tiền tệ thị TTCK “xanh”, chính sách thắt thì TTCK “đỏ”.

Vậy theo Thống đốc, phải có giải pháp nào cho vấn đề trên?

Thời gian tới, cần phải dần lập lại trật tự trên thị trường tài chính, điều đó cũng là để đảm bảo an toàn hoạt động của NHNN. Trong đó, vẫn cần những biện pháp hạn chế tăng trưởng tín dụng để các ngân hàng không còn phải huy động vốn bằng mọi giá. Khi đó, nền kinh tế và người dân sẽ buộc phải suy nghĩ về việc gửi tiền vào ngân hàng để bảo toàn vốn hay đầu tư trên thị trường vốn. Từ đó, TTCK mới có vốn và hoạt động tốt lên và điều này cũng có ý nghĩa chia sẻ gánh nặng với hệ thống ngân hàng. Quan trọng hơn cả là giúp thị trường tài chính lành mạnh và trở về đúng với kết cấu: ngân hàng: vốn ngắn hạn – TTCK: vốn trung và dài hạn.

Mấy ngày gần đây, giá vàng trong nước bất ngờ tăng cao hơn giá vàng thế giới trên 1 triệu VND, rồi lại nhanh chóng giảm xuống. Câu chuyện này liệu có lặp lại trong những tháng cuối năm?

Chúng ta không phải là nước sản xuất vàng mà phải nhập khẩu vàng, nên giá vàng thế giới liên tục tăng cao khiến giá vàng trong nước cũng tăng là điều bình thường. Còn khi giá vàng trong nước cao hơn nhiều so với giá vàng thế giới đã thể hiện yếu tố đầu cơ, làm giá. NHNN sẽ nhanh chóng ngăn chặn hoạt động này, tránh gây thiệt hại cho người nắm giữ cũng như mua bán vàng. Mục tiêu đặt ra là làm thế nào để giá vàng trong nước phải bằng hoặc thấp hơn chứ không cao hơn giá vàng thế giới và bằng các công cụ chính sách sẽ hướng tới mục đích đó. Đặc biệt, Nghị định về quản lý hoạt động sản xuất - kinh doanh được ban hành trong thời gian ngắn tới sẽ nâng cao được vai trò quản lý nhà nước đối với thị trường vàng, đồng thời bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân cũng như những người hoạt động sản xuất - kinh doanh và nắm giữ vàng. Do đó, không loại trừ một vài yếu tố như đầu cơ, làm giá hay tâm lý của người dân có thể tạo ra những đợt sóng nhẹ, song tôi tin chắc rằng, người dân sẽ tin tưởng hơn vào chính sách quản lý thị trường vàng của NHNN và Chính phủ sau khi nghị định này được ban hành.

Niềm tin vào chính sách, đó là điều lãnh đạo các ngân hàng đều mong muốn có. Thống đốc sẽ đáp lại mong mỏi này trong nhiệm kỳ của mình như thế nào?

Với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, chính sách tiền tệ của NHNN chắc chắn sẽ được điều hành ổn định, nhất quán.

Còn mục tiêu dài hạn của Thống đốc?

Thứ nhất, thay đổi về cơ bản cách thức điều hành chính sách tiền tệ phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, đảm bảo sự quản lý của Nhà nước và đảm bảo vai trò chủ động của NHNN. Nâng cao khả năng dự báo và phân tích tiền tệ để chủ động trong chính sách.

Thứ hai, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng theo hướng cơ quan này là người đồng hành với các TCTD.

Thứ ba, củng cố, chấn chỉnh, sắp xếp lại hệ thống TCTD Việt Nam, đảm bảo các TCTD hoạt động lành mạnh, ngày càng phù hợp với thông lệ quốc tế. Ví dụ, với quy mô nền kinh tế như Việt Nam có tới 80 TCTD là thừa, nhưng dịch vụ ngân hàng lại thiếu.

Thứ tư, chống đôla hóa và vàng hóa trong nền kinh tế.

Thứ năm, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần vào việc chống thị trường không chính thức nổi lên. Ngoài ra, đưa Việt Nam vào nhóm các nước có tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt ở mức khá trong khu vực và thế giới.

Thứ sáu, nâng cao trình độ công nghệ trong hoạt động điều hành của NHNN và có đổi mới về cơ bản trong quản trị điều hành của các TCTD.
Hồng Dung (theo ĐTCK)
Các bài khác:
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

0 nhận xét:

Speak up your mind

Tell us what you're thinking... !

Tư vấn Quản trị - Tiếp thị - Thương hiệu

Nhà tài trợ

 
TOP