Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc đang neo đậu ở Đại Liên, đông bắc tỉnh Liêu Ninh. Ảnh lấy từ video.Ảnh: Reuters |
[Marketing4u.vn] Từ phân tích tác động của công nghệ, hội nhập kinh tế thế giới, ở số báo trước (Ngoại giao Việt Nam: Thời thế mới, thách thức mới ), khiến cho ngoại giao Việt Nam phải có những thay đổi chiến lược, tiến sĩ, nhà ngoại giao Nguyễn Ngọc Trường phân tích vị thế địa – chiến lược của Việt Nam trong mối tương quan của các nước lớn trong khu vực và thế giới.
Một học giả Singapore gần đây nhận xét rằng các nước Đông Nam Á đang hưởng “hương vị ngọt ngào” của sự quan tâm và can dự nhiều hơn từ phía các nước lớn như Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản.
Nếu quả có sự “ngọt ngào” này, thì không phải nước Đông Nam Á nào cũng “hưởng” như nước nào. Indonesia nhận được 21 tỉ USD đầu tư và tín dụng ưu đãi từ phía Trung Quốc, cùng nhiều tàu tuần tra và chuyển giao kỹ thuật quốc phòng từ phía Mỹ, hàng tỉ USD về ODA từ phía Nhật Bản. Singapore, nước công khai chủ trương lôi kéo Mỹ và các nước lớn can dự vào Đông Nam Á để cân bằng ảnh hưởng Trung Quốc, cho phép khu trục hạm thế hệ mới của Mỹ sử dụng cảng, nhưng lại là nước Trung Quốc “gờm” và coi trọng nhất khu vực. Malaysia đợt này cũng chưa chịu sức ép trực tiếp của Trung Quốc về biển đảo, trong khi vẫn là đối tác mậu dịch ưu ái hàng đầu của Trung Quốc. Còn với Philippines hay Việt Nam, có thể không có vị ngọt như các nước khác. Ngọt hay đắng đều do vị trí địa – chiến lược của mỗi nước trong bàn cờ Biển Đông mà ra.
Từ địa – chiến lược
Địa – chiến lược là nhân tố địa lý ảnh hưởng đến chiến lược của một quốc gia. Địa – chiến lược là một mô hình chính sách đối ngoại được định hình dựa trên các nhân tố địa lý ảnh hưởng tới việc hoạch định chính sách quân sự, chính trị của một quốc gia. Địa – chiến lược quan tâm tới các biện pháp thích hợp nhằm tận dụng các nguồn lực phục vụ cho các mục tiêu địa – chính trị. Địa – chính trị phản ánh sự kết hợp giữa các nhân tố chính trị và địa lý, nhấn mạnh tác động của địa lý đối với chính trị trong quan hệ đối ngoại. Trong khi địa – chiến lược, nói nôm na, là “định phận tại thiên thư” của mỗi nước, không thể thay đổi, không thể thoái thác, chỉ làm sao vận dụng nó một cách tối ưu để quốc gia sinh tồn, phát triển và phú cường.
Nằm ở sườn phía nam của Trung Quốc, phía tây giáp Lào và Campuchia, Việt Nam có bờ biển dài hơn 3.200km hướng ra Biển Đông. Vị trí địa lý này quyết định chiến lược dựng nước và giữ nước của người Việt và cũng chi phối quan hệ giữa nước ta với nước láng giềng lớn ở phương Bắc. Từ thời kỳ phương Tây chinh phục phương Đông, hàng loạt nước lớn dùng khu vực Đông Nam Á làm bàn đạp xâm nhập vào phía nam Trung Quốc mà sự hiện diện của Pháp, Mỹ, vai trò của Nga trong lịch sử cận đại là những minh chứng cụ thể.
Hai năm trở lại đây, từ khi công bố đường lưỡi bò chín đoạn, trong đó nhấn mạnh Biển Đông thuộc “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc, Bắc Kinh gia tăng binh lực, áp đặt đòi hỏi biển đảo và quyền khai thác trong một vùng biển rộng lớn ranh giới mơ hồ, thì các nước lớn bắt đầu can dự vào Biển Đông. Vùng biển này bỗng chốc thành nơi “ngoạ hổ tàng long”, với thế “chiến quốc tranh hùng”. Đầu tiên là Mỹ tập trận chung, Trung Quốc tập trận riêng, rồi đến tập trận tam cường Mỹ – Nhật – Úc. Thời báo Quốc phòng Trung Quốc mới đây đưa tin Ấn Độ sắp tới sẽ đưa biên đội tàu khu trục tên lửa vào Biển Đông, hơn nữa theo tin của New Delhi hồi cuối tháng 6.2011, hải quân Ấn Độ chuẩn bị bố trí lực lượng hùng hậu về lâu dài tại vùng biển phía đông của Ấn Độ Dương này. Nga cách này hay cách khác sẽ vào cuộc.
Đến cuộc cờ Biển Đông
Không ai muốn xung đột nổ ra trước cửa nhà mình, nhưng một khi không tránh được, thì phải có đối sách thích hợp. Tham gia vào ván cờ nước lớn phải hiểu lợi ích của mỗi nước lớn khi họ can dự vào Đông Nam Á và vùng biển Đông Nam Á. Ngoại giao với các nước lớn thường là “đi trên dây”. Đòi hỏi giữ được đối trọng và cân bằng. Một khi lợi ích cốt lõi của nước nhà bị đe doạ thì dùng đối trọng nào và cân bằng ra sao, đều đòi hỏi bản lĩnh và mưu lược. Nếu chơi được ván cờ này, nước nhỏ chưa hẳn đã yếu, nước lớn chưa hẳn muốn làm gì thì làm.
Trung Quốc rất nhạy cảm với mọi động thái từ phía các nước lớn và luôn dè chừng mọi sự thâm nhập của nước lớn từ phía nam. Nhưng Trung Quốc quá tự tin và tham vọng khi chơi ván cờ này. Các yêu sách biển đảo cùng các hành động gây hấn có hệ thống của họ có thể cuối cùng sẽ đẩy các nước láng giềng vốn mong muốn hoà hiếu với Trung Quốc vào tuyệt lộ. Cái khó của Trung Quốc là chủ nghĩa dân tộc được kích hoạt và các phe phái quyền lực tranh chấp nội bộ đang hạn chế sự linh hoạt đối sách. Nhưng Trung Quốc cần tranh thủ dư luận thế giới nên phần nào cũng e dè trước sức ép của dư luận thế giới. Giải pháp Biển Đông căn bản chờ đợi Trung Quốc. Tuy vậy, trước Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc, giới quan sát cho rằng khó có thoả hiệp thực chất.
Mỹ suy yếu hơn trước, nhưng vì yếu hơn mà can dự tích cực hơn. Nếu cầm trịch cuộc chơi với sự nhất quán, Mỹ vẫn có khả năng nhân lên sức mạnh hiện có về chính trị, kinh tế, quân sự, cùng với quyền lực mềm của họ. Mỹ vẫn nỗ lực duy trì độc quyền các lĩnh vực cơ bản của hạ tầng internet, lấy internet làm chiến trường mới trong cuộc chiến hình thái ý thức. Tại châu Á – Thái Bình Dương, những tập hợp lực lượng Mỹ tiến hành gần đây theo những tầng, lớp khác nhau nhằm thực hiện một loại kiềm chế phòng ngừa, có thể gọi là kiềm chế “mềm”. Nó sẽ tuỳ vào sự thách thức từ phía Trung Quốc đối với lợi ích quốc gia và vị trí chủ đạo của Mỹ, cũng như đối với lợi ích của các nước trong khu vực, mà được đẩy lên, có thể phát triển thành kiềm chế “cứng” để bao vây con rồng.
Nhật Bản và Ấn Độ hiện nay cảm nhận bị uy hiếp trước các hoạt động lấn sân của Trung Quốc trên các vùng cận biên của họ, đang từng bước can dự vào các vấn đề Biển Đông/Đông Nam Á. Họ đều lấy công làm thủ. Sự can dự sẽ biến hoá tuỳ tình hình.
Việt Nam, một bên của cuộc cờ Đông Nam Á, cần biết được mối quan tâm và lợi ích cơ bản của các nước lớn, hiểu bản chất của nền chính trị nước lớn và những giới hạn của nó. Quan trọng là tạo dựng được mối quan hệ thoả đáng, không vì quan hệ với nước lớn này mà gây đối kháng với nước lớn khác, quan hệ trước mắt tính đến hệ quả lâu dài; đồng thời biết đặt các quan hệ này trong tổng thể các liên kết khu vực và toàn cầu, mở rộng đa phương hoá, đa dạng hoá và tập hợp lực lượng quốc tế[1]. Cũng không được chập chờn khi lợi ích cốt lõi của nước ta bị đe doạ.
Đặc biệt, cần giữ vững mặt trận đoàn kết với các nước láng giềng khu vực. Quan hệ Việt Nam với mỗi nước láng giềng đều có những nét đặc thù, trải qua nhiều biến cố lịch sử, không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Một đặc điểm mang tính quy luật: các nước lớn từng lợi dụng tình trạng bất thường này để chống phá ta, hoặc thông qua các nước láng giềng của Việt Nam tác động tới an ninh phát triển Việt Nam. Ngày nay, Đông Nam Á đã thành một khối, đòi hỏi ta nỗ lực to lớn và không ngừng đổi mới các mối quan hệ cho phù hợp với môi trường địa – chính trị/kinh tế mới. Cần vận dụng luận điểm của tư tưởng Hồ Chí Minh “Giúp nhân dân nước bạn là mình tự giúp mình”[2].
TIẾN SĨ NGUYỄN NGỌC TRƯỜNG - (Theo SGTT)
----------------------------------
[1] Xem: Nguyễn Ngọc Trường và nhóm tác giả: Ngoại giao Việt Nam 1945 – 2000. NXB Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, 2002, tr. 439 – 460.
[2] Xem: Nguyễn Dy Niên: Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh. NXB Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, 2002, tr. 139 – 162.
0 nhận xét:
Speak up your mind
Tell us what you're thinking... !