[Marketing4u.vn] Nếu kinh tế Mỹ suy thoái trở lại, sự phát triển của Việt Nam về cơ bản phải trông chờ vào nội lực cải cách ở trong nước. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội tốt để Việt Nam thay đổi cơ cấu kinh tế mà không phải tốn kém quá nhiều chi phí cho việc kiềm chế lạm phát.
Giai đoạn 2008 – 2009, Việt Nam đã bỏ qua một cơ hội cải cách nền kinh tế khi áp lực lạm phát vào thời điểm đó không còn. Nếu Việt Nam có chịu ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế thế giới lần nữa, Chính phủ cần đổi hướng hỗ trợ nền kinh tế.
Cuối tuần qua, ngày 5.8.2011, Mỹ đã bị tổ chức tín nhiệm hàng đầu thế giới Standard & Poor’s (S&P) hạ bậc xếp hạng tín dụng AAA xuống AA+ với triển vọng tiêu cực lần đầu tiên kể từ năm 1941. Quyết định này được đưa ra khá bất ngờ sau khi Mỹ đã đạt được thoả thuận nâng trần nợ thêm 2.100 tỉ USD. Điều này cho thấy tính an toàn bậc nhất của trái phiếu chính phủ Mỹ đang bị lung lay. Nếu quyết định hạ bậc tín nhiệm của S&P đối với kinh tế Mỹ là tín hiệu tương tự như sự sụp đổ của Lehman Brothers vào giữa tháng 9.2008, thì thời điểm kinh tế Mỹ suy thoái trở lại đang cận kề.
Cán cân thương mại hàng tháng của Việt Nam từ THÁNG 1.2008 – 7.2011 (tỈ USD) |
S&P 500 hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ
Sau hai năm kích thích kinh tế bằng những gói hỗ trợ khổng lồ, kinh tế Mỹ vẫn đang tiếp tục chìm đắm trong bất ổn. Xếp hạng của S&P đánh dấu điều này bởi xếp hạng của các tổ chức xếp hạng tín dụng có uy tín đối với các nền kinh tế thường được coi như là chốt chặn cuối cùng trong việc khẳng định xu hướng phát triển cho mỗi giai đoạn. Nếu một quốc gia trải qua một giai đoạn tăng trưởng tốt thì điểm xếp hạng sẽ tăng, và ngược lại sẽ bị hạ bậc.
Theo đánh giá của S&P, hệ thống chính trị của nền kinh tế hàng đầu thế giới đang trở nên kém ổn định bất chấp trần nợ được nâng lên. Vấn đề nợ công của Mỹ không hề được giải quyết ngay cả khi Chính phủ Mỹ có cắt giảm 2.100 tỉ USD chi tiêu sau một thập kỷ. Theo giả định của S&P, tỷ lệ nợ/GDP của Mỹ vẫn tăng lên nhanh chóng, từ mức 74% trong năm 2011 lên tới 79% vào năm 2015, và 85% vào năm 2021.
Sự bất ổn của kinh tế Mỹ đã được thị trường phản ánh trong tuần qua. Lo ngại rủi ro về tăng trưởng kinh tế toàn cầu khiến các loại tài sản dưới dạng cổ phiếu và hàng hoá được các tổ chức tài chính ưu tiên bán ra trong tổng danh mục đầu tư. Trong khi đó, vàng, trái phiếu chính phủ Mỹ và các đồng tiền vốn được coi là an toàn như franc Thuỵ Sĩ (CHF) lại được mua vào mạnh mẽ. Trong tuần qua, Dow Jones hạ 5,75%, còn giá dầu thô New York hạ hơn 8 USD xuống còn 86,88 USD/ thùng. Giá vàng lại tăng thêm 2,89% kết thúc tuần tại mức 1.661,29 USD/ounce.
Nếu như Mỹ lại rơi vào suy thoái kinh tế, giá cổ phiếu và hàng hoá sẽ tiếp tục lao dốc. Giống như kịch bản năm 2008, điều này sẽ gây ra những tác động mạnh mẽ cho các quốc gia khác trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Thách thức và cơ hội của Việt Nam
Nếu kinh tế Mỹ suy thoái trở lại, nó chứng tỏ một điều: các gói kích cầu của Mỹ cũng như các nền kinh tế khác trên toàn cầu là kém hiệu quả. Suy thoái lần này của Mỹ đòi hỏi một sự cải cách toàn diện hệ thống tiền tệ cũng như thương mại toàn cầu để hướng tới tăng trưởng dài hạn, thay vì hỗ trợ ngắn hạn. Một gói hỗ trợ nữa dường như là không tưởng.
Điều này sẽ đặt ra những thách thức với nền kinh tế Việt Nam. Thương mại và đầu tư toàn cầu suy giảm sẽ khiến dòng vốn quốc tế vào Việt Nam bị giảm sút. Sự phát triển của Việt Nam về cơ bản phải trông chờ vào nội lực cải cách ở trong nước. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội tốt để Việt Nam thay đổi cơ cấu kinh tế mà không phải tốn kém quá nhiều chi phí cho việc kiềm chế lạm phát.
Nhớ lại năm 2008, khi Mỹ rơi vào suy thoái, giá hàng hoá thế giới giảm mạnh khiến đà tăng của lạm phát tại Việt Nam được kìm hãm nhanh chóng. Từ mức đỉnh tính theo năm là 28,33% vào tháng 8.2008, sau đúng một năm, lạm phát đã giảm mạnh xuống mức thấp nhất là 1,97% vào tháng 8.2009. Nếu kịch bản suy thoái đáy kép lần này của Mỹ tiếp tục xảy ra thì nhiều khả năng, đà giảm của chỉ số CPI trong nước sẽ có thêm động lực đi xuống.
Giá dầu và giá xăng thế giới giảm mạnh trong những ngày qua là cơ sở cho việc hạ giá xăng dầu trong nước trong thời gian tới. Trên thị trường Singapore vào ngày 5.8, giá xăng Ron 92 đã giảm về mức 113 USD/thùng, giảm 4,24% so với mức 118 USD/thùng tại thời điểm ngày 29.3.2011, khi Việt Nam tăng giá xăng lên 21.300 đồng/lít. Thêm vào đó, tỷ giá USD/VND thời điểm hiện tại đang dao động quanh mức 20.600 – 20.650, thấp hơn thời điểm 29.3.2011 gần 1,20%. Giá xăng dầu trong nước có thể giảm sẽ giúp chi phí đầu vào trong nước đi xuống, giá hàng hoá giảm bớt và lạm phát cũng từ từ giảm theo.
Không những vậy, cán cân thương mại trong nước sẽ có khả năng được cải thiện hơn. Kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn từ hoạt động thương mại quốc tế. Tổng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu trong năm 2010 là 155,6 tỉ USD, gần bằng 1,5 lần GDP. Do vậy, những biến động từ hoạt động thương mại quốc tế sẽ tác động mạnh tới nền kinh tế trong nước. Khi giá hàng hoá thế giới tăng cao, giá trị xuất khẩu sẽ có xu hướng tăng chậm hơn so với nhập khẩu, khiến cho nhập siêu có xu hướng gia tăng. Ngược lại, giá hàng hoá thế giới có xu hướng giảm, cán cân thương mại trong nước sẽ giảm bớt sự mất cân đối này. Trong giai đoạn năm 2008 – 2009, mặc dù kinh tế thế giới bị suy thoái nhưng cán cân thương mại của Việt Nam đã có sự cải thiện rõ ràng khi nhập siêu qua từng tháng giảm dần. Trong thời điểm hiện nay, nếu nền kinh tế thế giới suy thoái trở lại, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hơn để định hướng lại chiến lược xuất khẩu và nhập khẩu trong nước cho phù hợp hơn, và giúp cán cân thương mại ổn định dần.
Cần thay đổi chính sách kinh tế
Cho tới thời điểm hiện tại, hầu hết các nghiên cứu đều chỉ ra rằng nguyên nhân sâu xa của lạm phát hiện tại là do chính sách kích cầu của Việt Nam năm 2009. Trong báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XIII, nguyên nhân ấy được phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng (nay là Chủ tịch Quốc hội) xác nhận. Điều này hoàn toàn có cơ sở, bởi việc kích cầu ồ ạt như trong năm 2009 khiến cho tổng cầu nền kinh tế tăng mạnh, hơn nữa, lượng cung tiền lớn được bơm ra nền kinh tế khi thực hiện hỗ trợ lãi suất, càng làm gia tăng áp lực lạm phát trong dài hạn. Những ảnh hưởng dài hạn từ lượng tiền được bơm ra trong năm 2009 đã khiến cho lạm phát tăng nhanh và đạt mức trên 20%, tính theo năm vào thời điểm hiện tại.
Việt Nam rõ ràng đã bỏ qua một cơ hội cải cách nền kinh tế khi áp lực lạm phát vào thời điểm đó không còn. Do vậy, nếu Việt Nam có chịu ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế thế giới lần nữa thì Chính phủ cần đổi hướng hỗ trợ nền kinh tế. Thay vì thực hiện những gói kích cầu lớn như năm 2008, Việt Nam nên chú trọng đến cải cách các yếu tố nội tại của nền kinh tế để nâng cao năng suất. Lượng vốn khổng lồ dưới dạng vàng, đất đai và cơ sở hạ tầng nằm tại các doanh nghiệp nhà nước cần được khai thông, để tạo động lực phát triển bổ trợ cho sự sụt giảm về vốn đầu tư nước ngoài.
Chính sách tiền tệ và tài khoá cần tiếp tục được duy trì theo hướng chặt chẽ để đảm bảo lạm phát sẽ được kiểm soát trong dài hạn, chứ không đơn thuần do sự sụt giảm ngắn hạn của giá hàng hoá thế giới. Khi chính sách tiền tệ duy trì lãi suất ở mức phù hợp, các doanh nghiệp sẽ phải giảm bớt lượng vốn sử dụng và cải tiến kỹ thuật để nâng cao năng suất. Việc tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt ở mức hợp lý sẽ là một áp lực cần thiết để các doanh nghiệp phải tự tái cấu trúc và phát triển.
Theo SGTT- NGUYÊN MINH CƯỜNG
Các tin khác:
- [VNN] Yêu cầu Trung Quốc chấm dứt vi phạm chủ quyền
- [VnEx] Ngân hàng Nhà nước: 'Có hiện tượng đầu cơ vàng' (Ai đầu cơ? và nhóm người nào được lợi? Chu kỳ này cứ diễn ra lặp đi lặp lại, khi tình hình kinh tế bất ổn)
- [BEE] Công nghiệp phần mềm VN:10 năm kỳ vọng, bùng nổ, thất bại
- [BEE] Làng chăn gối: Vỏ xịn, ruột rác (“Chú xem đó, làng tôi nhà cao tầng mọc lên san sát. Máy dệt tiền tỷ, xe tải nửa tỷ nhiều lắm. Nhờ làm chăn “nhái” đấy. Đố tìm được cái ruột gối bông do cây “đẻ” ra. Một người dân thôn Trát Cầu, xã Tiền Phong, Thường Tín, Hà Nội nói.)
0 nhận xét:
Speak up your mind
Tell us what you're thinking... !