Marketing online:

Home » , , » Việt Nam: Cải cách thể chế để tăng trưởng bền vững

Việt Nam: Cải cách thể chế để tăng trưởng bền vững

Đăng bởi: Quý Hải | Nhà tư vấn on 15 thg 10, 2011 | 10/15/2011

[Marketing3k.vn] Sức cạnh tranh của nền kinh tế chỉ có thể được nâng lên nếu chất lượng thể chế của Việt Nam được cải thiện tốt hơn. Các chuyên gia quốc tế lo ngại, môi trường thể chế với gánh nặng thủ tục hành chính vẫn gia tăng sẽ kìm hãm sức cạnh tranh của Việt nam.

Vấn đề này đã được thảo luận sôi nổi tại hội thảo về nâng cao chất lượng thể chế Việt Nam do CIEM (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và đầu tư), USAID/VNCI (Dự án Sáng kiến cạnh tranh Việt Nam của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ) và OECD (Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế) đồng tổ chức hôm 14/10.

Cải cách thể chế đơn giản chính là việc nâng cao chất lượng chính sách, quy định của Nhà nước sao cho tốt hơn, qua đó, thiết lập một môi trường thuận lợi để người dân, doanh nghiệp cùng phát triển và nền kinh tế có sức cạnh tranh và hiệu quả hơn.

Nút thắt thể chế

Nhiều năm qua, môi trường thể chế của Việt Nam vẫn bị đánh giá là kém. Ông Nguyễn Mạnh Cường, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho hay, thể chế kinh tế thị trường, chất lượng nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng đang là những điểm nghẽn cản trợ sự phát triển của Việt Nam.

Một trong những thước đo của chất lượng thể chế là hiệu quả Nhà nước. Đó là phép cộng tổng thể của các vấn đề chất lượng dịch vụ công, tính độc lập của hành chính công, chất lượng xây dựng và thực hiện chính sách và đặc biệt là độ tin cậy của các cam kết đưa ra từ Chính phủ. Tuy nhiên, so sánh với 12 nền kinh tế ở Đông Á, chỉ số hiệu quả Nhà nước của Việt Nam chỉ được xếp thứ 10, đạt dưới 50% số điểm, sau cả Indonesia và Philipines, chỉ đứng trên Campuchia và Lào.

Nguyên nhân là bởi số lượng văn bản pháp luật của Việt Nam đã tăng nhanh trong khi, chất lượng lại không đảm bảo. Vấn đề đánh giá tác động của các văn bản này trước khi được ban hành chưa nghiêm, đặc biệt là khâu tham vấn ý kiến công chúng vẫn mang tính hình thức.

Ông Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn InvestConsult còn thẳng thắn nhận định, tất cả các văn bản ban hành ra hiện nay đều thể hiện thái độ xin-cho.

Đã có nhiều ý kiến cho rằng, một rào cản không thể không nhắc tới khi cải cách thể chế, đó là lợi ích nhóm. Các qui định, chính sách được soạn thảo ra từ nhóm những chuyên viên, công chức chưa có thực tế trên thị trường và không tránh khỏi khả năng đặc quyền, đặc lợi trong chính những qui định thủ tục đó.

Ông Nick Malyshev, Trưởng ban Chính sách thể chế của OECD cho rằng, mỗi chính sách hay qui định ban hành ra, phải được lấy ý kiến đông đảo từ công chúng vì nó có thể tác động từ bà nội trợ cho đến cả nền kinh tế. Đến khi đối chiếu các phản hồi này các nhóm khác nhau, chính sách qui định ban hành ra sẽ có hiệu quả lợi ích chung.

Sức ép cải cách

Theo tổng kết của Đề án 30 (cải cách thủ tục hành chính), Việt Nam đã có tới 5.421 thủ tục được rà soát và sau đó, các cơ quan Nhà nước đã cắt giảm tới 8,8% thủ tục, đơn giản hóa đi 77% thủ tục. Kết quả là tiết kiệm được 1,4 tỷ USD mỗi năm chi phí cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ông Scott Jacobs, chuyên gia quốc tế dự án Sáng kiến cạnh tranh Việt Nam cho rằng, Việt Nam vẫn cần phải cắt giảm nhiều hơn nữa các thủ tục quy định trong giai đoạn tiếp theo, như Hàn Quốc đã cắt xén tới 30-50% các thủ tục hành chính.

Ông Jacobs bày tỏ, các quy định thủ tục hành chính ở Việt Nam đang là một gánh nặng tốn kém, phi thị trường và đáng tiếc là số lượng các qui định như vậy vẫn đang ngày càng tăng. Ví dụ như việc áp dụng các quy định kiểm soát giá sữa, mức giá trần đối với phí quản lý chung cư hay việc đề xuất các quy định bảo vệ doanh nghiệp nội địa trong đấu thầu công. Các qui định này sẽ kìm hãm tính cạnh tranh, làm giảm sút động lực đầu tư và đổi mới của các doanh nghiệp.

Lạm phát cao, thâm hụt thương mại lớn, sức cạnh tranh thấp, Việt Nam cần phải nâng cao chất lượng điều hành bằng việc xây dựng các quy định hỗ trợ tăng trưởng dựa trên nguyên tắc thị trường.

Chỉ ra những sức ép cho việc phải nâng cao chất lượng các chính sách kinh tế, ông Faisal Naru, cố vấn trưởng về cải cách thể chế của dự án USAI/VNCI cho biết, chỉ số cạnh tranh của Việt Nam năm 2011-2012 đã tụt 6 bậc so với năm 2010-2011, xếp thứ 65 trong 142 nước. Đồng thời, riêng về gánh nặng qui định, Việt Nam xếp thứ 113. Tuy nhiên, do Việt Nam là nước đang phát triển, tiềm năng đổi mới của Việt Nam là lớn để tăng sức cạnh tranh.

Muốn vậy, thể chế của Việt Nam phải sớm được cải thiện hiện đại hơn, hỗ trợ tăng trưởng và quản lý được những bất ổn phát sinh. Trong đó, cơ chế phối hợp của cơ quan Trung ương cần phải được thiết lập lại.

Cải cách thể chế chính là một phần trong chương trình cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 10 năm tới nhằm nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước.

OECD đã đưa ra nghiên cứu cho kết quả, các nước tiến hành cải cách thể chế trên diện rộng trong vòng 10 năm có thể đạt tỷ lệ tăng trưởng cao hơn các quốc gia không cải cách tới 15% GDP.

Có thể coi đây chính là giải pháp dài hạn để khắc phục các khiếm khuyết của nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Công cuộc này cũng rất phù hợp với thời điểm Chính phủ đặt mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường trong giai đoạn 2011-2015.
Theo Vef - PHẠM HUYỀN
Các bài khác:
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

0 nhận xét:

Speak up your mind

Tell us what you're thinking... !

Tư vấn Quản trị - Tiếp thị - Thương hiệu

Nhà tài trợ

 
TOP