[Marketing3k - Kinh tế Việt Nam] Chỉ số CPI tháng 6 của cả nước giảm âm cho thấy điều gì nếu không phải là câu chuyện giá cả? Rõ ràng, người tiêu dùng có cơ sở để thắc mắc về việc CPI không ăn nhập với cơ cấu chi tiêu và giá cả tiêu dùng thực tế.
CPI và túi tiền người dân: Hai câu chuyện khác nhau
Động lực của chỉ số giá giảm vừa qua được lý giải thuộc về nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng như một hệ lụy của thị trường bất động sản đóng băng, cùng với đó là nhóm giao thông và bưu chính viễn thông thừa hưởng thành quả khi giá xăng dầu trong nước giảm nhiều đợt. Tổng tỷ trọng của hai nhóm này rơi vào khoảng gần 20% - bằng 1/5 của rổ hàng hóa tính CPI.
Tuy nhiên rất chính đáng nếu người dân đòi hỏi và băn khoăn khi nhóm hàng lương thực, thực phẩm, dịch vụ ăn uống chiếm tỷ trọng lớn nhất (khoảng 43%) trong rổ hàng hóa tính chỉ số giá CPI lại chưa tỏ rõ vai trò, đóng góp của nó trong con số âm 0,26% của CPI tháng 6 cả nước. Nhất là người tiêu dùng tại hai trung tâm lớn là Hà Nội và TP.HCM vẫn phải chi trả cho các nhu cầu ăn uống, các dịch vụ thiết yếu với mức giá cao không đổi.
Đồng cảm với thực tế nhiều người dân kêu ca tại sao giá cả bên ngoài vẫn cao mà CPI lại giảm trong khi đáng lẽ người tiêu dùng phải vui mừng hồ hởi vì được lợi từ hiện tượng này, chuyên gia về giá cả Ngô Trí Long chung nhận xét, hiện chỉ có một số mặt hàng giảm giá, còn hầu hết mặt hàng khác, giá vẫn ổn định. Tuy nhiên, theo ông Long, chúng ta phải thừa nhận con số nói trên bởi không có điều tra và số liệu hơn thế.
Trao đổi với VietNamNet, chuyên gia Vũ Đình Ánh - Học viện Tài chính công nhận, chỉ số giá không phản ánh hết tất cả mọi thứ bởi chỉ có gần 600 mặt hàng cụ thể được Tổng cục Thống kê chọn làm đại diện để đo lường chỉ số giá trong số hàng vạn mặt hàng của đời sống. Hơn nữa danh sách tên tuổi các mặt hàng này không công khai vì thế khó có thể rạch ròi.
Ông Ánh cho rằng, cách suy diễn CPI âm mà hàng hóa không giảm nhiều không có gì mâu thuẫn với nhau vì CPI là chỉ số chung. Đây là chỉ số giá cả hàng hóa gộp lại của nhiều nhóm, nhiều lĩnh vực mà thế giới vẫn đang áp dụng chứ không riêng gì Việt Nam. Hơn nữa, mức âm 0,26% của tháng 6 cũng không phải là cao.
"Người dân cũng không thể hy vọng CPI giảm mà đồng tiền chi tiêu của mình được dôi ra. Lý do CPI chỉ phản ánh mức độ biến động về giá chứ không phải là mức giá, không phải CPI âm mà giá thấp hơn. Từ CPI giảm mà dẫn suất ra ví tiền đi chợ của các bà nội trợ lại là câu chuyện khác, vì đấy là số vĩ mô chứ không phải vi mô" - ông Ánh nói.
Hàng thiết yếu: Khó có chuyện giảm
Các nhà quản lý cho rằng, lượng hàng hóa tồn kho lớn và sức mua giảm sút khiến nhà kinh doanh phải tìm cách tăng khuyến mại, ưu đãi, giảm lãi là căn nguyên chính khiến CPI giảm âm. Tuy nhiên, lượng tồn kho nhiều ở nhóm ngành, lĩnh vực nào, có thiết thực, chiếm tỷ trọng quyết định với đời sống sinh hoạt và nhu cầu của số đông người dân hay không và thực sự họ có được hưởng mức giá giảm không, lại phải xem xét cụ thể.
Là nhà thu mua, phân phối các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, lãnh đạo các hệ thống siêu thị lớn trên toàn quốc vẫn khẳng định, chưa thu được tín hiệu giảm giá hàng hóa nào từ cả nghìn nhà cung cấp trong hiện tại và tương lai. Ở lĩnh vực nào không biết chứ riêng lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng không có hàng tồn đọng; họ cũng không ghi nhận được áp lực giải phóng hàng tồn của nhà sản xuất, cung cấp.
Dễ thấy các nhu cầu dành cho ăn, mặc, ở, đồ dùng gia đình phải chiếm tỷ trọng 60-70% trong rổ hàng hóa, hay nói cách khác, nó thể hiện cơ cấu chi tiêu của số đông người dân hiện nay. Tuy nhiên khi các nhà sản xuất kinh doanh các mặt hàng nói trên chưa có tín hiệu giảm giá thì nhiều tháng nay, chỉ thấy nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng kêu than thảm thiết về tình trạng tồn đọng hàng hóa với khối lượng lớn và đình đốn sản xuất.
Tiếp sau sự lên tiếng dài kỳ của đại diện các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thép, xi măng, bất động sản, Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam đại diện cho 120 hội viên vừa trình Thủ tướng một loạt kiến nghị đề xuất tháo gỡ khó khăn cho ngành này.
Hội đề cập, riêng xi măng trong 5 tháng đầu năm đã tồn kho trên 3 triệu tấn (giá trị trên 3.000 tỷ đồng); ngành gốm sứ tồn kho trên 40 triệu m2 gạch ốp lát và trên 1 triệu sản phẩm sứ vệ sinh, tương đương trên 3.000 tỷ đồng; ngành sản xuất vật liệu không nung và sản xuất thủy tinh, đá ốp lát cũng khốn đốn vì tiêu thụ chậm, cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu.
Tuy nhiên chưa có một báo cáo của tổ chức nghề nghiệp nào lại đưa ra các con số giá sản phẩm giảm đi từ các câu chuyện tồn đọng này.
Chuyên gia Vũ Đình Ánh cho rằng, việc phân tích nguy cơ của hàng tồn kho, mối liên hệ giữa hàng tồn kho và việc giảm giá sản phẩm, hiện nay là thiếu căn cứ rõ ràng. Do chỗ thứ nhất là sự thiếu đầy đủ chính xác của số liệu, thứ hai là sự đa dạng và đặc điểm riêng trong sản xuất tiêu thụ của mỗi nhóm ngành hàng.
Ví dụ, đối với sản xuất xi măng sắt thép thì chuyện ứ thừa là bình thường vì bản thân khi quy hoạch sản xuất đã tính thừa thành ra ý nghĩa tồn kho trong lĩnh vực này phải cân nhắc lại. Bên cạnh đó có những loại sản phẩm tồn kho không tiêu thụ được, buộc phải giảm giá bán như lương thực, thực phẩm.
Ở góc độ sức tiêu dùng mua sắm giảm, ông Ngô Trí Long cho rằng, không phải do chi phí sản xuất, giá thành đang giảm đi so với trước đây mà các yếu tố đầu vào vẫn đứng ở mức cao. Giá giảm đi không phải do năng suất, chất lượng, hiệu quả tăng lên, cũng không phải do giảm giá thành mà vì sức mua hạn chế, lời lãi của doanh nghiệp giảm đi.
Để tự tháo gỡ cho chính mình, theo ông Long, điều tất yếu là các doanh nghiệp nói chung, tùy theo mục tiêu hoàn cảnh của mình, cần phải tiếp tục đẩy hàng ra với giá cả phải chăng, để đông người tiêu dùng chấp nhận. Điều này sẽ giảm thiểu tình trạng tồn kho, doanh nghiệp thu tiền về để có vốn tái sản xuất đầu tư. Nếu không cả nền kinh tế và doanh nghiệp sẽ rất nguy khốn.
Theo VeF - Thành Dũng
Các bài khác:
- [Tamnhin] Nhận diện các thách thức cho nền kinh tế những tháng cuối năm
- [VeF] Thời trang hè đua giảm giá sốc: Vẫn ế - Buôn bán xe máy: vào chu kỳ "thê thảm"
- [TP] Báo động doanh nghiệp phá sản - [TT] Hơn 53.000 DN tư ngừng hoạt động, chờ giải thể [VNN] Hơn 26.000 DN giải thể, phá sản ngừng hoạt động - [SGTT] Cả nước có gần 93.000 DN “ma” [VeF] Thời khó khăn: DN hay chơi xấu, kiện cáo nhau - [DT] Chứng khoán Sacombank: Soát xét đặc biệt tìm "nguồn cơn" thua lỗ
- [TP] Sướng như lãnh đạo... doanh nghiệp nhà nước - [NĐT] Lời giải nào cho tình trạng “bội thực” đầu tư công
- [Tamnhin] Hiện tượng “phong bao, phong bì” và…nợ xấu ngân hàng - Mục tiêu nào ?khi phát hành 100 nghìn tỷ đồng mua nợ xấu Ngân hàng - Giảm tiếp các lãi suất điều hành lại " làm giàu" vì " lợi ích nhóm "?
- [TT] Kinh tế học về mại dâm
- [VeF] Kinh nghiệm xử lý nợ xấu của Trung Quốc - [Tamnhin] Mỹ La tinh vòng cạm bẫy tái cơ cấu
0 nhận xét:
Speak up your mind
Tell us what you're thinking... !