Marketing online:

Home » , » Chuyển hoá các khoản nợ xấu

Chuyển hoá các khoản nợ xấu

Đăng bởi: Quý Hải | Nhà tư vấn on 21 thg 7, 2012 | 7/21/2012

[Tài chính marketing] Xử lý nợ xấu vẫn đang là một trong những vấn đề cấp bách đối với nền kinh tế VN và hệ thống ngân hàng ở thời điểm hiện nay. Nhiều phương án đã được bàn đến, nhưng dường như chưa có một phương án nào được... chấm.

Theo đề xuất của TS Lê Xuân Nghĩa - Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, để giải quyết nợ xấu tín dụng hiện nay, chỉ có giải pháp tối ưu là thành lập Cty mua bán nợ quốc gia (AMC).

Khó chứng khoán hoá các khoản nợ xấu

Theo đó, 4 giải pháp cần làm sau khi đã thành lập AMC mà thế giới xưa nay vẫn thường áp dụng: Thứ nhất là cổ phần hóa khoản nợ, theo đó AMC sẽ trở thành cổ đông của chính DN đó dựa trên phần nợ đã mua. Thứ hai là kêu gọi các nhà đầu tư mới đến để bán lại một phần hoặc toàn bộ nợ. Thứ ba là chứng khoán hóa khoản nợ rồi bán. Thứ tư là xóa nợ. Tuy nhiên, trao đổi riêng với DĐDN, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, nếu áp dụng tại VN thì các giải pháp đều khả thi, loại trừ giải pháp thứ ba, tức là chứng khoán hoá các khoản nợ xấu.

Giải thích việc loại trừ này, TS. Lê Xuân Nghĩa nói: Một trong những mấu chốt căn bản để các sản phẩm chứng khoán hoá có thể phát triển, là thị trường chứng khoán phải phát triển. Trong khi đó, thị trường chứng khoán của VN vẫn còn bé, quy mô chưa đủ mạnh, chưa có các nền tảng để triển khai các công cụ và sản phẩm phái sinh như một thị trường phát triển. Do đó, việc chứng khoán hoá các khoản nợ xấu sẽ rất phức tạp, mất thời gian cũng như kém hiệu quả, thậm chí có thể làm rối rắm thêm thị trường. Đây có lẽ là một ý kiến khá sát sườn với thực tế của chứng khoán VN, sau 12 năm ra đời và phát triển.

Bởi trên thực tế, việc phát triển các sản phẩm phái sinh, trong đó có các sản phẩm chứng khoán hoá bất động sản, chứng khoán hoá các khoản nợ xấu…, hiện cũng mới chỉ nằm trong lộ trình tương lai mà cơ quan quản lý thị trường chứng khoán nhắm đến, vào năm 2014.

Còn nhớ vào năm ngoái 2011, Uỷ ban chứng khoán nhà nước và Bộ Xây dựng cũng đã thảo luận và đưa ra dự thảo Nghị định cho phép thành lập quỹ đầu tư BĐS, niêm yết cổ phiếu hoặc chứng chỉ trên thị trường. Vào lúc đó, sự cho phép sẽ ra đời Quỹ đầu tư BĐS dự kiến hoạt động như một Quỹ tín thác (REIT) đã làm dấy lên niềm hy vọng giải pháp chứng khoán hoá BĐS sẽ tiếp vốn cho thị trường BĐS đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, chuyên gia chứng khoán Huy Nam cũng đã khẳng định với DĐDN: “Đặt vấn đề chứng khoán hóa trong lĩnh vực BĐS trong điều kiện tài chính tài trợ địa ốc còn quá thô sơ và đơn điệu thì khó thành hiện thực. Hoặc, nói đến phát triển bền vững mà không có một hạ tầng tài chính với các công nghệ và công cụ hỗ trợ chuyên nghiệp chuyên ngành thì chẳng khác chỉ là sự gợi lên điều không thể...”.

Việc chứng khoán hoá các khoản nợ xấu thành ra, cũng phụ thuộc vào các điều kiện tương tự, khi thị trường mua bán nợ của VN vẫn chưa thực sự thành hình, còn thiếu vắng những Cty, tổ chức tổ chức mua bán nợ tư nhân và quốc tế cùng tham gia thị trường. Hơn thế, hành lang pháp lý cho một thị trường thứ cấp, nơi các tài sản thế chấp được đóng gói thành các sản phẩm chứng khoán hoá có thể được trao đổi mua đi bán lại ở VN, cũng rất thiếu khuyết. Không lạ khi một trong 4 giải pháp được cho là “thông thường” trên thị trường tài chính quốc tế dùng để xử lý nợ xấu tín dụng, lại khó khả thi tại VN.

Nhiều phương cách

Nhưng nếu hiểu chứng khoán không quá… cao siêu, nói như ngôn ngữ của ông Nguyễn Hoàng Hải – Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư Tài chính (VAFI), thì ở VN vẫn có thể có điều kiện thực thi chuyển hoá và xử lý nợ xấu bằng chứng khoán hoá. VAFI là tổ chức đã đưa ra 10 giải pháp xử lý nợ xấu, trong đó, “Chứng khoán hoá các khoản nợ khó đòi” được xếp hàng giải pháp thứ 3, tính từ trên xuống. Ông Hải giải thích thêm với DĐDN: Nên hiểu “chứng khoán hoá các khoản nợ khó đòi” ở đây là chuyển hoá các khoản nợ, biến nó thành cổ phần. Tình trạng này có thể xét cho những DN có nguy cơ giải thể, phá sản do không thanh toán được nợ. Khi món nợ NH đã được chuyển thành cổ phần, thì có thể tìm nhà đầu tư, đối tác mua lại nợ với một tỉ lệ sở hữu, chi phối để các nhà đầu tư, đối tác mới có thể tiếp cận và tái cấu trúc DN, quản lý luôn DN. Ông Hải dẫn ra trường hợp của DN – Khách sạn Bảo Sơn trước đây, hay như trường hợp của CTCP Thuỷ sản Bình An mới đây, đã chuyển hoá được một phần khoản nợ thành cổ phần thành công, và từ đó làm đòn bẩy để DN lấy lại sức lực thực thi tái cấu trúc.

Tuy nhiên, nếu nhìn chứng khoán hoá với cách thức biến các khoản nợ xấu thành cổ phần và tìm đối tác, chủ yếu là nhà đầu tư quốc tế tham gia mua lại, thì giải pháp này xem ra lại trùng với giải pháp thứ nhất và giải pháp thứ hai mà TS Lê Xuân Nghĩa đã từng gói gọn.

Trao đổi với DĐDN, chuyên gia cao cấp Ngân hàng Lê Trọng Nhi đưa ra quan điểm khác. Theo ông Nhi, nếu hiểu nôm na và đơn giản, chứng khoán hóa nợ xấu là một phương cách/ kỹ thuật chuyển hóa các khoản nợ xấu (nợ quá hạn trên 90 hoặc 120 ngày…) thành các loại trái phiếu hoặc cổ phiếu khác nhau và các chứng khoán này có thể được bảo đảm bằng những tài sản thế chấp hoặc một định chế tài chính uy tín hoặc cơ quan nào đó của Chính phủ, được đóng gói và bán (đấu giá) trên thị trường, thì việc chứng khoán hóa nợ xấu này đã được áp dụng với VN cách đây gần 20 năm. Đó là trường hợp VN đã thông qua việc giải quyết nợ với Câu lạc bộ London vào cuối năm 1997. Các khoản nợ thương mại của VN không thanh toán theo đó đã được các chủ nợ trong Câu lạc bộ London đồng ý chuyển thành mấy loại trái phiếu – trái phiếu nợ gốc mới, trái phiếu nợ lãi mới… Các chủ nợ cũ nhận các trái phiếu mới này và họ có quyền mua bán trên thị trường trái phiếu quốc tế. “Hẳn nhiên đây là trường hợp đặc biệt mang tính đa phương có sự tham gia của Ngân hàng Thế giới, Quỹ tiền tệ Quốc tế và Bộ Tài chính Mỹ… Nhưng đó là một trải nghiệm cần được tham chiếu” - ông Nhi nói.

Xét trong tiền lệ quá khứ, thông lệ quốc tế hay thực tế VN hiện tại, rõ ràng, tuy chứng khoán hoá các khoản nợ xấu, đóng gói nó và mang bán trên thị trường chứng khoán VN sẽ là “nhiệm vụ bất khả thi”, nhưng lại vẫn là một hướng đi có thể xem xét. Chứng khoán hoá, chuyển hoá các khoản nợ bằng cách này hay cách khác, đóng gói bán ngay hoặc sau khi chuyển hoá có thể tạm “đóng băng” khoản nợ, chờ nền kinh tế toàn cầu phục hồi mới mang bán… đó đều là những phương cách, những gợi mở mà dù với cái giá phải trả nào, các nhà hữu trách cũng nên tính toán để tránh cho nền kinh tế suy yếu thêm trong chờ đợi. 
--------------------
Ông Lê Trọng Nhi - Chuyên gia ngân hàng:

Để kích hoạt và giải phóng cục máu đông nợ xấu, đã có nhiều ý kiến và giải pháp được đề cập từ các chuyên gia và cơ quan hữu quan. Tuy nhiên, dường như vẫn còn có những bất cập và bất ổn trong cách đặt vấn đề mà theo tôi thấy đúng ra không cần thiết tại thời điểm này. Chẳng hạn như mua tỉ lệ nào? Nên để ngân hàng phá sản không? Cty mua bán nợ có vốn nhà nước không và nếu có thì bao nhiêu?...Vấn đề nợ xấu của VN hiện nay lớn hơn nhiều, cơ cấu cũng khác hơn và nhất là những hệ qủa của nó trên nền kinh tế không những cao hơn nhưng còn nghiêm trọng nhiều lần hơn. Bất kể loại nợ xấu từ lĩnh vực BĐS hoặc từ nào khác đều có một mẫu số chung lớn: Nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đang làm nghẽn nguồn và dòng vốn cần thiết cho nền kinh tế; nền kinh tế đang bị tổn thương và chính sách tiền tệ bị méo mó. Phải giải quyết và càng nhanh càng tốt. Bên cạnh cái giá tài chính tiền tệ mà toàn xã hội đang và sẽ phải gánh chịu thì còn cái giá lớn khác và lắm khi trở nên khó khăn hơn cho sự sự lựa chọn của các nhà quản lý. Tôi nghĩ, VN chúng ta vẫn đang bị loay hoay giữa việc lựa chọn cho cái giá phải trả. Nhưng cần lưu ý là càng chờ thì nợ càng lớn và càng lớn thì tốc độ kinh tế suy yếu sẽ càng nhanh. Phải nhanh chóng chấp nhận một cái giá nào đó – mà giá đó chỉ có các nhà quản lý mới có thể trả lời!”. 

TS Lê Xuân Nghĩa - Nguyên Phó Chủ tịch UBGSTC quốc gia:

Nhiều người băn khoăn khi tôi đặt ra vấn đề nên thành lập Cty mua bán nợ Quốc gia và sau đó còn đưa ra giải pháp xoá nợ. Tôi không hiểu tại sao chúng ta không thể đặt ra vấn đề xoá nợ. Quan điểm của cá nhân tôi cho rằng mua nợ rồi, vẫn có thể xoá nợ. Nông dân vay nợ ngân hàng nhưng do những lý do khách quan mất mùa, thiên tai, địch hoạ…, thì các NH vẫn có chính sách xoá nợ. Nay nền kinh tế khó khăn, NH khó khăn, DN khó khăn, Cty mua bán Quốc gia cũng có quyền xoá nợ một phần hoặc tất cả chứ, tại sao không? Cũng cần thấy rằng việc thành lập Cty mua bán nợ Quốc gia trị giá 200 ngàn tỉ đồng, là không phải là bơm ra một lúc 200 ngàn tỉ đồng để gây áp lực lạm phát lên nền kinh tế (đã có những lo ngại như thế). Chúng ta dùng trái phiếu để mua nợ, chiết khấu dần dần, tuỳ thuộc vào sức khoẻ của ngân hàng, của nền kinh tế, tuỳ thuộc năng lực thương thảo chiết khấu. Như vậy, khoản nợ sẽ được xử lý sớm, sẽ không có tình trạng nợ chồng nợ gây viễn cảnh suy giảm liên miên của nền kinh tế trong tương lai! Mỗi người có một đề xuất, ý kiến khác nhau nhưng tôi vẫn cho rằng lập AMC là giải pháp khả thi nhất đối với tình hình hiện nay.
--------------------
Theo DĐDN (Lê Mỹ)

Các bài khác:
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

0 nhận xét:

Speak up your mind

Tell us what you're thinking... !

Tư vấn Quản trị - Tiếp thị - Thương hiệu

Nhà tài trợ

 
TOP