Marketing online:

Home » , , » Nhóm lợi ích và lợi ích nhóm

Nhóm lợi ích và lợi ích nhóm

Đăng bởi: Quý Hải | Nhà tư vấn on 3 thg 7, 2012 | 7/03/2012

[Marketing3k - Quản trị] Cái gọi là "nhóm lợi ích" - nếu sự quan sát của người viết là đúng - đã thấp thoáng hiện ra trên vài diễn đàn Việt một cách dè dặt từ dăm năm trước. Nó được nói đến nhiều hơn khoảng một năm trở lại và giờ đây trở nên nóng, nhưng vẫn có vẻ dè dặt. Tại sao ư? Người mình tức khí thì xì ra, nhưng luôn ngại "chẳng phải đầu lại phải tai". Khổ vậy!

Khái niệm "nhóm lợi ích" (interest groups - cũng, pressure/lobby/advocacy... groups) là bản quyền của người Mỹ nhưng cũng phổ biến ở Anh với một chút trại đi là "lobby". Các nhóm này xuất hiện lần đầu giữa thế kỷ XIX trong các nền dân chủ đại nghị, nơi quyền công dân được để thoáng.

Có khá nhiều định nghĩa về nhóm lợi ích, tuy không khác nhau bao nhiêu. Đại loại: Nhóm lợi ích là tập hợp những người cùng chí hướng, cùng mưu cầu một lợi ích, với phương thức hoạt động chủ yếu là tìm cách tác động lên chính quyền (nghị viện, chính phủ, các hội đồng địa phương) hoặc khai thác sự đa nghĩa trong một số điều khoản luật để giành lấy mục đích.
Nó bao gồm đa dạng các đoàn thể, các tổ chức nghề nghiệp, xã hội, các cơ cấu dân quyền, thiện nguyện v.v... Từ điển mở Wikipedia và nhiều tác giả đã liệt kê vào đây cả những tổ chức phi chính phủ nổi tiếng như Oxfam (chống đói nghèo), Greenpeace (bảo vệ môi trường)... Sự tồn tại của nhóm lợi ích phần lớn được coi là tích cực.

Đấy là cách hiểu kinh điển về nhóm lợi ích ở các xã hội Âu - Mỹ, nơi nó được sinh ra và hoạt động trên một nền tảng luật pháp ổn định. Nhưng như Ngân hàng Thế giới đã từng cảnh báo cách nay vài thập kỷ, các nhóm lợi ích mới ngày nay thiên về các mục đích kinh tế và do đó, đã xuất hiện những tập hợp mang màu sắc mafia. Điều này càng đúng ở những nền kinh tế đang chuyển đổi, đang phát triển, đang cải cách nhưng thiếu đồng bộ. nhóm lợi ích ở đây được hình thành trên cơ sở các liên minh bất hợp pháp, xin tạm gọi là các liên minh dọc, liên minh ngang và liên minh diện (cũng, liên minh lập thể).

Liên minh dọc là sự tập hợp cho mục đích lợi ích theo hệ thống ngành. Và như vậy, liên minh ngang - đa ngành hoặc theo phạm vi địa phương lãnh thổ, liên minh diện (liên minh lập thể) - bao gồm cả hai.

Với tất cả các nhóm lợi ích kiểu này, không thể thiếu các quan chức nhà nước, nếu không muốn nói họ chiếm số đông và là "những người sáng lập".

Có thể nêu ra một nhận xét lý thú là các nhóm lợi ích đó không bao giờ có tên gọi tự thân và các thành viên của nó không bao giờ thừa nhận sự có mặt. Các nhóm lợi ích như vậy có thể (có thể thôi) nở rộ ở những quốc gia đang trưởng thành (đang phát triển, đang chuyển đổi) với nền tảng chính trị và pháp lý còn nhiều bất cập nên một điều lý thú nữa là nó chẳng quan tâm nhiều đến việc tác động lên quốc hội, nghị viện, hội đồng địa phương... để điều chỉnh luật lệ, chính sách theo hướng có lợi vì đã rất sẵn các khe hở pháp lý. Cũng có nghĩa là nó không tìm đến lợi ích dài hạn, mà mặn mà hơn với các lợi ích "mì ăn liền".

Ở mức độ thấp, lợi ích sẽ thu được bằng quyền hạn trong tay, bằng tác động lên các quyết định của cấp thẩm quyền, bằng giải thích có lợi dựa trên những kẽ hở luật pháp, bằng tiền hoặc sử dụng xã hội đen...

Ở mức độ cao, trong phạm vi quốc gia chẳng hạn, nhóm lợi ích có thể tạo ra các dự án, các đại dự án, thao túng thị trường, thao túng mặt bằng giá cả, thao túng các hiệp định hợp tác với nước ngoài, và thậm chí, thao túng chính trường.

Có thể quan sát hành tung nhóm lợi ích bằng một ví dụ. Xăng dầu hiện đang là mặt hàng chiến lược tại hầu hết các quốc gia. Bởi tình trạng trồi sụt liên tục trên thị trường quốc tế, người ta lúng túng giữa thả nổi theo thị trường hay quản lý giá cả của nó trong phạm vi nội địa. Nhiều nước chọn cách thứ hai (Việt Nam cũng vậy, mặc dù từng quyết tâm thả nổi mà thả không nổi). Ở cách này, quyền hạn điều chỉnh giá cả không phải chỉ liên quan đến một bộ, một ngành, cộng với việc thiếu các biện pháp chế tài hữu hiệu thì rất dễ dẫn đến việc hình thành nhóm lợi ích theo kiểu liên minh lập thể. Các công dân nghi ngại rằng trong trường hợp như vậy nhóm lợi ích sẽ tìm "lợi ích" ở việc duy trì mức giá cao càng lâu càng tốt.

Có lẽ đây là vấn đề thuộc về kinh doanh và lợi nhuận thì đúng hơn. Còn "lợi ích" mà nhóm thu về được nhắm vào các tình huống "nhạy cảm" khác, chẳng hạn những đợt chuẩn bị tăng giá. Xăng dầu lúc đó một mặt được hạn chế bán ra thị trường, một mặt được nhóm này mua vào (và chưa chắc đã phải xuất tiền thật) tích trữ trong các kho nổi, kho chìm trên đất liền, trên mặt sông, mặt biển và tất nhiên, cả những kho ảo trên sổ sách kế toán, trước khi xuất chiêu thao tác cuối cùng là công bố mặt bằng giá mới. Chưa công bố đã thấy lợi ích (lợi nhuận) thu về là "miên man". Càng "miên man" nếu người ta kiêm luôn cả xuất nhập, bán buôn và bán lẻ. Càng "miên man" nữa nếu độc quyền hoặc gần được như vậy.

***

Nêu một câu hỏi nóng: Việt Nam ta có các nhóm lợi ích như vậy không? Nói là "nóng" vì câu chuyện này đang hiện diện không chỉ trên các diễn đàn dư luận mà còn trong các phiên chất vấn của kỳ họp quốc hội vừa mới kết thúc. Dân bảo có nhưng những người chịu trách nhiệm trả lời: chưa có cơ sở để khẳng định. Thế nào là "cơ sở"? Không rõ. Ai sẽ đi tìm và bao giờ thì tìm được "cơ sở"? Càng mù tịt. Hay là chờ, chờ khi nó phá ra như dòng thác rồi muốn ngăn cũng không thể ngăn được, như cái cách ta từng đối phó với tham nhũng chẳng hạn?

Thì chờ. Và trong khi chờ đợi, thử nhìn sang Trung Quốc, một quốc gia hầu như tương đồng mọi mặt, từ thiết chế chính trị - xã hội đến con đường cải cách phát triển kinh tế để xem họ nhìn nhận ra sao vấn đề này. Thủ tướng Ôn Gia Bảo từng nói, điều mà ông chưa làm được trong nhiệm kỳ của mình là chặn bước phát triển của các nhóm lợi ích ở nước này.

Còn ông Uông Dương, Ủy viên Bộ chính trị Đảng Cộng sản, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông, ngôi sao cải cách đang được đồn đoán sẽ tham gia nhóm lãnh đạo - Thường vụ Bộ Chính trị - khóa 18 sắp tới của Đảng thì thẳng thừng chỉ ra, bản chất vụ Ô Khảm là vấn đề lợi ích nhóm.

Ông còn khẳng định, đã xuất hiện không ít nhóm lợi ích nhân danh chính trị, nhân danh cái gọi là bảo vệ chế độ để bảo vệ những lợi ích khổng lồ của mình và coi đây chính là lực cản lớn cho giai đoạn hiện nay của công cuộc cải cách. "Muốn giải quyết các nhóm lợi cản bước cải cách thì trước hết phải tiến hành giải phẫu đảng và chính phủ" - Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Uông Dương đã khẳng định như vậy.

Theo TVN (Vũ Cao Phan)
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

0 nhận xét:

Speak up your mind

Tell us what you're thinking... !

Tư vấn Quản trị - Tiếp thị - Thương hiệu

Nhà tài trợ

 
TOP