[Tài chính marketing] Hơn 3 thập kỷ thành công trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã biến Trung Quốc trở thành “công xưởng số 1 thế giới”, khiến người tiêu dùng toàn cầu dường như đã quá quen thuộc với hàng hoá có xuất xứ từ Trung Hoa đại lục. Nhưng “không có bữa tiệc nào kéo dài mãi mãi”, bản đồ “công xưởng thế giới” đang được vẽ lại với sự vươn lên mạnh mẽ của nhiều quốc gia.
Lợi thế và cơ hội
Sau hàng thập niên thu hút hàng ngàn tỷ USD vốn FDI từ khắp nơi trên thế giới, năm 2012, FDI tại thị trường Trung Quốc với gần 1,4 tỷ dân đã giảm mạnh đúng như tiên đoán của TS. Patrick Dixon, Chủ tịch Globalchange - tổ chức chuyên tư vấn chiến lược phát triển cho các công ty đa quốc gia hàng đầu thế giới như Google, Microsoft, IBM, Air France… Và đây chính là cơ hội cho Việt Nam và những nước cạnh tranh thu hút FDI với Trung Quốc, như Indonesia, Philippines, Ấn Độ… vươn lên để “vẽ lại bản đồ công xưởng thế giới”.
TS. Patrick Dixon tiên đoán, với dân số 90 triệu người, trong đó độ tuổi trung bình chỉ có 27 và tỷ lệ người biết đọc, biết viết lên đến 94%, cộng với chi phí nhân công chỉ bằng một nửa so với Trung Quốc, Thái Lan và thấp hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh khác, trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ đóng vai trò là “nhà xưởng của thế giới”.
Nhận định của TS. Patrick Dixon được nhiều người chú ý, bởi ông được Wall Street Journal đánh giá là nhà tương lai học hàng đầu thế giới, đã từng dự đoán chính xác về khủng hoảng kinh tế tại châu Âu cũng như sự bứt phá của những nền kinh tế mới nổi.
Trước khi TS. Patrick Dixon đến Việt Nam vào cuối tháng 11/2012, chưa một chuyên gia kinh tế, nhà hoạch định chính sách nào mạnh dạn tiên đoán, với nhiều lợi thế về thị trường, giá nhân công, tài nguyên thiên nhiên, cửa ngõ của ASEAN để vào thị trường Đông Á..., Việt Nam sẽ trở thành một trong những ứng cử viên hàng đầu thay thế Trung Quốc làm công xưởng thế giới. Nhưng nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã nhìn thấy Việt Nam là mảnh đất đầy hứa hẹn.
Ông Preben Hjortlund, Chủ tịch EuroCham, người hiểu đến tận “chân tơ kẽ tóc” nền kinh tế Việt Nam sau hơn 10 năm sống và làm việc tại Việt Nam cho biết, nhiều doanh nghiệp châu Âu muốn biến Việt Nam là trụ sở chính để từ đó họ phục vụ thị trường ASEAN, Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ.
Chẳng thế mà, khi vừa được bầu vào ghế Chủ tịch EuroCham hồi tháng 3/2012, ông Preben Hjortlund tuyên bố sẽ đẩy mạnh xúc tiến đầu tư tại Việt Nam hơn nữa, quảng bá Việt Nam thành một điểm đến cho đầu tư nước ngoài, hợp tác chặt chẽ với Chính phủ để tối đa hóa thành công giữa các bên, vì một Việt Nam thịnh vượng. Ông cũng hy vọng, khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU được ký kết, FDI của EU vào Việt Nam sẽ tăng cả về số lượng và chất lượng.
Những minh chứng sống động
Ông Mark Gillin, Phó chủ tịch AmCham khá tự hào khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ đến đầu tư tại Việt Nam với số vốn FDI ngày càng tăng, từ mức 1,5 tỷ USD năm 2001 lên hơn 22 tỷ USD vào năm 2012. Ông Mark Gillin nhận định, nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là công ty Mỹ, vẫn đánh giá tích cực về cơ hội tại Việt Nam. Bằng chứng là, ngoài những doanh nghiệp mới “chân ướt chân ráo” đến Việt Nam, các doanh nghiệp đầu tư ở đây liên tục đổ thêm vốn để mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. “Năm 2011, doanh nghiệp FDI Hoa Kỳ đã tăng giá trị đầu tư của họ tại Việt Nam lên 3,1 tỷ USD, tăng 1,7 lần so với năm 2010 (năm 2012 có 435 lượt dự án tăng vốn đầu tư thêm 5,15 tỷ USD, tăng 58,5% so với năm 2011), cho thấy sự hài lòng của họ đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam”, ông Mark Gillin đánh giá.
Ông Mark Gillin cho biết, các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu của Hoa Kỳ không chỉ nhìn thấy Việt Nam là một thị trường có 90 triệu người tiêu dùng với thu nhập bình quân đầu người đạt 1.600 USD (tăng 300 USD so với năm 2011), mà còn thấy ở đây nhiều tiềm năng để phát triển ngành sản xuất hiện đại, tạo ra giá trị thặng dư cao.
“Minh chứng là, Intel mạnh dạn đầu tư 1 tỷ USD cho nhà máy lắp ráp và kiểm tra chip máy tính tại Việt Nam. Một công ty khác đã đến Việt Nam cách đây 5 năm và gặt hái được khá nhiều thành công với kim ngạch xuất khẩu khoảng 50 triệu USD/năm cũng đang tìm vùng đất mới để mở rộng sản xuất, vì họ kỳ vọng doanh thu sẽ tăng gấp 3 lần trong 3 - 5 năm tới”, Phó chủ tịch AmCham cho biết.
Đại diện thị trường đứng đầu trong số 98 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, ông Hirokazu Yamaok, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) rất hài lòng vì FDI của Nhật Bản ngày càng tăng mạnh kể cả chất và lượng. Mặc dù nhấn mạnh rằng, với nhà đầu tư Nhật Bản, Việt Nam tiếp tục là một trong những địa điểm tiềm năng nhất tại Đông Nam Á, song đại diện Jetro cũng lưu ý rằng, so với Thái Lan và Indonesia, FDI của Nhật Bản vào Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn.
“Vì vậy, Chính phủ Việt Nam cần sớm đưa ra nhiều giải pháp phù hợp nhằm nâng cao sức cạnh tranh của Việt Nam so với Thái Lan và Indonesia - hai quốc gia cũng đang nổi lên là ứng viên tiềm tàng thay thế Trung Quốc làm công xưởng của thế giới”, ông Hirokazu Yamaok chia sẻ.
Ông Hirokazu Yamaok cũng tiết lộ, sau thảm họa sóng thần Ấn Độ Dương năm 2004, động đất tại Nhật Bản và lũ lụt kinh hoàng tại Thái Lan cùng trong năm 2011, doanh nghiệp Nhật Bản đã có bài học xương máu về việc “để trứng vào một giỏ”. Vì vậy, doanh nghiệp Nhật Bản đang tích cực tìm kiếm địa chỉ đầu tư mới, nhằm phân bổ nguồn lực đầu tư hợp lý và Việt Nam là một trong những điểm đến được nhà đầu tư Nhật Bản rất quan tâm. Cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, cảng biển và hệ thống cung ứng điện sẽ giúp Việt Nam giành được niềm tin của nhà đầu tư.
Trong khi đó, đại diện cho các doanh nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam và cũng là đồng sáng lập Trung tâm Đào tạo Anh ngữ Apollo và Đại học Anh Quốc Việt Nam, ông Khalid Muhmood chia sẻ, ông không hối hận khi đã chọn Việt Nam làm điểm dừng chân của đời mình.
“Trước năm 1994, tôi làm việc ở Singapore và đứng trước cơ hội lựa chọn địa điểm làm việc tiếp theo ở Indonesia, Thái Lan, Trung Quốc, Myanmar và Việt Nam. Sau khi đọc một bài báo trên “The Economist”, so sánh Việt Nam và Myanmar, tôi tự hỏi, quốc gia nào sẽ trở thành con Rồng châu Á tiếp theo? Tôi đã chọn Việt Nam và khi đến Việt Nam làm việc, tôi cảm thấy sự lựa chọn của mình là chính xác”, ông Khalid Muhmood chia sẻ sau 17 năm sống và làm việc tại Việt Nam.
Các trung tâm đào tạo do Khalid Muhmood đồng sáng lập tại Việt Nam ngày một phát triển. Có được kết quả này, theo ông Khalid Muhmood, là bởi ngay khi Việt Nam mới bắt đầu quá trình mở cửa, thu hút FDI, ông đã tin vào đường lối đổi mới sẽ đem lại nhiều thành tựu cho đất nước. Khi vốn FDI đổ vào Việt Nam, Việt Nam sẽ phải đầu tư cho giáo dục nhiều hơn, đặc biệt là trình độ ngoại ngữ để tiếp cận trình độ quản lý tiên tiến, công nghệ hiện đại.
“Chính phủ Việt Nam đã hành động đúng đắn và vượt qua nhiều giai đoạn đầy thử thách trong quá khứ, do đó, tôi tin tưởng, Việt Nam tiếp tục thành công trong tương lai, các cơ sở giáo dục đào tạo được nhiều Ngô Bảo Châu trong tương lai”, ông Khalid Muhmood mong muốn.
Còn quá sớm để nói, Việt Nam sẽ trở thành công xưởng số 1 thế giới, song năm 2012 khép lại với những tín hiệu tích cực, khi nhiều dự án “tỷ đô” được tái khởi động. Khu vực FDI đã đạt mức tăng trưởng xuất khẩu tới trên 31% so với năm 2011, trong đó nhóm hàng điện thoại, linh kiện điện thoại và điện tử đã xuất khẩu được gần 21 tỷ USD, tăng gần gấp 2 lần năm 2011. Như vậy, không chỉ có mặt hàng quần áo, giày dép, mà những mặt hàng điện tử, điện thoại di động, thiết bị nghe nhìn… của các thương hiệu toàn cầu “Made in Vietnam” đang ngày càng chiếm lĩnh thị trường thế giới.
Trong khi đó, thu hút FDI năm 2013 tiếp tục hứa hẹn có những chuyển biến khả quan. Cùng với một số dự án lớn đã tái khởi động cuối năm 2012 và triển khai trong năm 2013, như báo chí Hàn Quốc trích dẫn, Samsung - một trong những tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới dự kiến sẽ đầu tư vào Việt Nam 2,2 tỷ USD từ nay đến năm 2020 để sản xuất khoảng 50% tổng số điện thoại của Hãng trên toàn cầu. Năm 2012, tập đoàn này đã xuất khẩu 12 tỷ USD hàng điện tử “Made in Vietnam”.
Còn Nike - hãng sản xuất quần áo và giày thể thao hàng đầu thế giới vẫn giữ ý định mở rộng đầu tư tại Việt Nam, nơi mà Hãng đã đặt “đại bản doanh” để sản xuất 41% tổng sản lượng giày thể thao (hiện Nike chỉ sản xuất 32% lượng giày thể thao tại Trung Quốc). Còn đối với Intel - hãng sản xuất thiết bị máy tính số 1 thế giới, theo TS. Patrick Dixon, cùng với việc Samsung, Canon, Siemens… mở rộng đầu tư tại Việt Nam, việc Intel sản xuất 1 tỷ con chip/năm tại Việt Nam là một trong những minh chứng cho thấy, Việt Nam đang nổi lên là một đối thủ “nặng ký” thay thế Trung Quốc để trở thành công xưởng thế giới.
“Những quốc gia được nhà đầu tư đánh giá cao phụ thuộc vào sự ổn định kinh tế và chính trị, hiệu lực của luật pháp, mức thuế, sự khuyến khích của chính phủ đối với nhà đầu tư... Nhiều yếu tố trong số này của Việt Nam được nhà đầu tư đánh giá khá cao”, TS. Patrick Dixon khẳng định cho dự báo của mình về việc Việt Nam sẽ trở thành công xưởng của thế giới trong tương lai gần.
Mạnh Bôn
Nguồn: Baodautu
Tin bài khác:
- NYT: Chinese Plan to Invest in Cambodia Is Big, but Vague (Đầu tư TQ tại Cambodia)
- Economist: Middle-income claptrap (Bẫy thu nhập trung bình)
- VnEx: 'Cần có luật về sự lãnh đạo của Đảng'
- VnEc: “Lấy cái đẹp dẹp cái xấu”
- ĐV: Nhiều nhà quan mất trộm tiền tỷ
0 nhận xét:
Speak up your mind
Tell us what you're thinking... !