Người biểu tình cáo buộc chính những gói cứu trợ khổng lồ cho Phố Wall dẫn tới mức nợ của chính phủ lên cao hơn bao giờ hết. Ảnh: CNN |
[Marketing3k.vn] Nước Mỹ đang sục sôi bầu không khí phản kháng của phong trào "Chiếm lấy Phố Wall" nhằm lên án giới tài chính, ngân hàng - được coi là thủ phạm gây ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và nạn thất nghiệp trầm trọng. Hiện tượng này không phải chuyện đùa, trái lại, nó có thể làm khuynh đảo hệ thống chính trị Mỹ.
Hãy chú ý tới những cuộc biểu tình của phong trào "Chiếm lấy Phố Wall" trên đường phố New York và ở nhiều thành phố khác khắp nước Mỹ, nhất là khi người biểu tình có thể kéo dài sự phản đối từ mùa đông lạnh lẽo năm nay sang thời điểm khai màn bầu cử Tổng thống Mỹ vào mùa xuân 2012.
Đây là tín hiệu cho thấy khả năng xuất hiện sự thay đổi lớn trong nền chính trị Mỹ, bởi phong trào đang tạo ra tiếng nói chung của công chúng. Mấu chốt của diễn biến này là việc liệu phong trào "Chiếm lấy Phố Wall" có dẫn tới sự thay đổi toàn thể giới chóp bu chính trị ở Washington vào năm 2013 hay không? Hoặc liệu người Mỹ có bầu lại phần lớn các quan chức ở cả hai Đảng Dân chủ, Cộng hòa vào các vị trí ở chính quyền liên bang, chính quyền bang và địa phương hay không?
Theo Reuters, nhà bình luận David Cay Johnston cho rằng Phong trào "Chiếm lấy Phố Wall" khác biệt cơ bản so với những phong trào biểu tình khác mà ông theo dõi hơn bốn thập kỷ qua. Thay vì những lợi ích cụ thể, na ná nhau như chống chiến tranh, chống nạn cưỡng hiếp, phong trào Đảng Trà, những người biểu tình lần này thể hiện các quan điểm rất đa dạng. Họ chống đủ thứ như: thói tham lam của các tập đoàn tài phiệt, sự bất bình đẳng xã hội, thay đổi khí hậu toàn cầu... Tuy vậy, họ đoàn kết quanh một chủ đề chung: các ông chủ ngân hàng đang "xé nát" nước Mỹ.
Nói chuyện với một số người biểu tình cắm trại ăn ngủ dầm dề tại công viên Zuccotti gần Phố Wall, người ta có thể thấy nổi lên hai vấn đề bức xúc khác. Thứ nhất là việc giới siêu giàu chi phối các chính trị gia. Thứ hai là chuyện giới truyền thông đánh giá các sự kiện qua lăng kính của tầng lớp giàu có.
Bắt đầu từ giữa tháng 9 đến nay, các cuộc biểu tình của Phong trào "Chiếm lấy Phố Wall" từ chỗ thu hút chỉ vài trăm người trẻ tuổi đã lên tới con số hàng nghìn người. Ảnh hưởng của nó bắt đầu len lỏi vào các ngóc ngách chính trị Mỹ và chưa hề có dấu hiệu thoái trào.
"Chúng tôi cứ ở đây chừng nào chưa có sự đổi thay" - đó là một khẩu hiệu mang tính cảnh báo của người biểu tình. Nói là làm, dân biểu tình đã khuân thực phẩm, thuốc men, xong nồi niêu chảo, bàn chải đánh răng, giấy vệ sinh, đồ công nghệ... tới công viên Zuccotti, thậm chí xuất bản cả tờ báo riêng mang tên "Chiếm đóng Phố Wall" nhằm phục vụ "cuộc chiến" dài hơi của họ.
Kinh tế "mắc kẹt", trách nhiệm Phố Wall
Chủ tịch Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ Even Ben Bernanke bày tỏ sự đồng cảm với những người biểu tình. Tuần qua, phát biểu trước Ủy ban Kinh tế chung của Quốc hội Mỹ, ông cho rằng người dân thực sự không hài lòng với thực trạng kinh tế cũng như những gì đang xảy ra. Họ đưa ra một số lý lẽ cáo buộc ngành tài chính là thủ phạm đẩy nước Mỹ vào tình trạng hỗn độn. Người dân cũng thất vọng với cách phản ứng của Washington trước tình trạng thất nghiệp lên tới 9%, trong khi tăng trưởng kinh tế rất chậm.
Thực tế, ba năm sau cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế Mỹ đang "mắc kẹt" trở lại. Các tổ chức tài chính lớn như Quỹ Tiền tệ quốc tế, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế, cùng những tập đoàn đầu tư khổng lồ như Goldman Sachs đều giảm mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu giai đoạn 2011-2012. Họ cũng cảnh báo rằng châu Âu và Mỹ đang phải đối mặt với nguy cơ suy thoái ngày càng lớn. Nhà kinh tế học Nouriel Roubini thậm chí cho rằng Mỹ đã bước vào giai đoạn suy thoái, dựa trên những số liệu "cứng và mềm".
Ba năm sau khi "bong bóng" vỡ, thị trường nhà đất Mỹ vẫn phải vật lộn để phục hồi, tài sản thế nợ thì tăng lên. Nhiều người mất nhà cho dù đã trả một lượng lớn tài sản cầm cố. Thị trường lao động èo uột do thất nghiệp trở thành "cuộc khủng hoảng tầm cỡ quốc gia". Cùng lúc, tin tức xấu về cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu dồn dập đến. Căng thẳng thanh toán tiền mặt ở các ngân hàng châu Âu gây nguy cơ lớn cho các ngân hàng Mỹ. Mọi người lo ngại rằng một cuộc khủng hoảng tương tự năm 2008 sẽ lặp lại.
Tại công viên Zuccotti, từ những người theo chủ nghĩa tự do, những người theo đạo, các giáo sư đại học cho tới cánh lái xe tải, người vô thần..., từ người ăn nói mạch lạc cho tới ú ớ, ai cũng đồng tình rằng giới siêu giàu, nhất là các ông chủ ngành tài chính, là những "kẻ cắp" ngụy biện, không chỉ ăn cắp bằng súng đạn mà còn bằng cái gọi là "công cụ tài chính".
Họ cáo buộc Phố Wall chiếm hữu những tài sản giá trị nhất, hoen ố vì thói tham lam và tham nhũng. Chính các ông chủ Phố Wall là thủ phạm gây khủng hoảng tài chính năm 2008. Chính những gói cứu trợ tài chính khổng lồ cho Phố Wall dẫn tới mức nợ của chính phủ Mỹ lên cao hơn bao giờ hết. Nghịch lý là các ông chủ Phố Wall ung dung dùng tiền thuế của người dân để thưởng cho bản thân.
Dan Halloran, một thành viên Hội đồng thành phố New York - nói rằng khi xem truyền hình, anh ta cứ tưởng tất cả người biểu tình đều dưới 30 tuổi và chưa bao giờ đi làm. Hình ảnh truyền thông dựng lên về họ như... tranh biếm họa. Tuy nhiên, theo Halloran, những người mà anh ta nói chuyện vừa tha thiết làm việc, vừa sống trong tâm trạng lo lắng. Nhiều người vay nợ, mất nhà cửa, nghèo khó... nói rằng họ muốn có việc làm, trong khi các ông chủ chẳng đoái hoài.
Một số nhà kinh tế cho rằng Phố Wall không rút ra được bài học nào từ cuộc khủng hoảng năm 2008, trái lại còn tìm cách vận động hành lang để triệt tiêu mọi cải cách, khiến giới tài chính, ngân hàng ngày càng giàu trong khi phần đông công chúng ngày càng nghèo.
Trả lời phỏng vấn truyền hình, tỷ phú Warren Buffett đứng về phía người biểu tình: "Cảm giác thất vọng là có thực và có đủ cơ sở để thấy rằng mọi người muốn thoát khỏi tình trạng thuế má thiếu công bằng cũng như việc làm khó khăn".
Cuối tuần qua, trong cuộc họp báo ở Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Obama đã phải lên tiếng thừa nhận Phong trào "Chiếm đóng Phố Wall" thể hiện sự thất vọng của công chúng Mỹ đối với ngành tài chính. "Tôi đã xem truyền hình. Những người biểu tình nói lên tâm trạng chán nản đang lan rộng trước cách thức hoạt động của hệ thống tài chính Mỹ" - ông Obama nói.
Người biểu tình ra hẳn tờ báo “Chiếm đóng Phố Wall”. Ảnh: NYT |
"Mùi" của chính trị
Tuần qua, phong trào "Chiếm lấy Phố Wall" đã có cú đột phá chính trị khi nhận được sự tán thành của các lãnh đạo Nhóm Dân biểu Tiến bộ Quốc hội, Hội Dân biểu người da đen, Đảng Gia đình Lao động New York và một số nghị sĩ. Các nghiệp đoàn như Liên đoàn Giáo viên Liên bang, Hội Y tá Quốc gia, Liên đoàn Lao động khu vực Đông Bắc Pennsylvania, Hội truyền thông CWA... cũng vào cuộc rầm rộ. Thành viên của họ đòi đánh thuế giới tài phiệt Phố Wall, tái thiết nước Mỹ, tạo thêm việc làm.
Trong khi đó, các nhóm tự do như MoveOn và Democracy for America bắt đầu quyên tiền để hỗ trợ phong trào. 1,4 triệu thành viên nghiệp đoàn giao thông vận tải Teamsters tuyên bố: " Không ai ngạc nhiên khi thấy 'Chiếm lấy Phố Wall' giành được sự ủng hộ và nhanh chóng lan khắp nước Mỹ. Giấc mơ Mỹ của các sinh viên - những người thực sự đang nợ nần và thất nghiệp - đã biến mất. Giấc mơ Mỹ của người lao động không còn bởi lương của họ bị cắt giảm, trong khi các ông chủ ngồi trên đống lợi nhuận trị giá hàng tỷ USD. Giấc mơ Mỹ của các gia đình lao động biến mất bởi họ phải trả giá quá cao cho sự ngu ngốc và lỗi lầm của Phố Wall".
Trước hơi hướng chính trị, "Chiếm lấy Phố Wall" bắt đầu được so sánh với Đảng Trà. Khi bắt đầu nhen nhóm vào mùa thu năm 2008, Đảng Trà chỉ được coi như một chuyện đùa, sự bất thường của một nhúm người đội mũ ngộ nghĩnh, chẳng có tí quyền lực cũng như thông điệp rõ ràng nào. Thế nhưng trong năm 2009, Đảng Trà đã lan rộng khắp nước Mỹ với các cuộc biểu tình phản đối chính sách kích cầu kinh tế của chính quyền Tổng thống Barack Obama. Năm 2010, Đảng Trà thậm chí đưa được người của họ vào Thượng viện. Đến nay, Đảng Trà - được coi là một phong trào cực đoan gồm phần lớn thành viên là đảng viên "siêu bảo thủ" của phe Cộng hòa - thực sự gây ảnh hưởng sâu rộng trong quá trình bầu cử và hệ thống chính trị Mỹ.
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng một số chính trị gia khác cho rằng "Chiếm lấy Phố Wall" và Đảng Trà đều bắt nguồn từ tâm trạng thất vọng của thường dân với tầng lớp "ngồi mâm trên" xã hội, bởi cảm giác bất bình đẳng, mối lo thất nghiệp và mất lòng tin vào triển vọng kinh tế quốc gia. Sự khác nhau ở chỗ Đảng Trà hướng cơn thịnh nộ vào chính quyền, trong khi "Chiếm lấy Phố Wall" dồn sự giận dữ lên các công ty, tập đoàn Mỹ. "Chiếm lấy Phố Wall" đưa ra thông điệp mang tính lan truyền rằng nền dân chủ Mỹ cần tạo cơ hội nhiều hơn cho các cá nhân tham gia.
Không ai biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Nhưng hơn bao giờ hết, đây là cơ hội cho ngày càng nhiều người Mỹ thuộc mọi màu da, mọi giới tính, mọi đức tin thể hiện vai trò tích cực nhằm đổi thay nước Mỹ. Trước đây, sự không hài lòng với xã hội, cả ở phía tả lẫn phía hữu, mới chỉ thể hiện qua các phương tiện truyền thông và qua lá phiếu chứ chưa ở trên đường phố.
Những ngày này, người ta có thể thấy sự giận dữ âm ỉ bùng nổ thành quyền lực của công chúng như thế nào. Dần dà, sự chuyển dịch về ý thức sẽ dẫn tới cuộc tranh luận quốc gia ở Mỹ, sau đó thể hiện ở kết quả bầu cử.
Theo VNN - H.Giang
Các bài khác:
- [Vn+] Giá dầu giảm sâu rồi bất ngờ đảo chiều tăng mạnh
- [VNN] Tìm thuốc chữa 'bệnh tài chính' của châu Âu
- [TN] Ấn Độ “cần tăng cường quan hệ với Việt Nam”
- [SGTimes] Cục chăn nuôi: Thịt giảm giá chỉ mang tính thời điểm
- [LĐ] Xuất hiện dịch vụ cúng giỗ … online
- [VnEx] Hội môi giới bất động sản VN sẽ thành lập vào tháng 12
- [DT] Bầu Đức đại diện Việt Nam dự giải doanh nhân thế giới [VnEx] Bầu Đức tham dự giải doanh nhân toàn cầu
0 nhận xét:
Speak up your mind
Tell us what you're thinking... !