Marketing online:

Home » , , » Việt Nam: Lộn xộn hệ thống giáo dục đại học

Việt Nam: Lộn xộn hệ thống giáo dục đại học

Đăng bởi: Quý Hải | Nhà tư vấn on 8 thg 10, 2011 | 10/08/2011

Hy vọng nâng cao chất lượng giáo dục đại học
 với bộ luật riêng. Ảnh minh họa
[Marketing3k.vn] “Không biết lãnh đạo Bộ GD-ĐT có cảm thấy xấu hổ khi tiếp xúc với đối tác nước ngoài trong khi hệ thống các cơ sở giáo dục đại học trong nước bát nháo như hiện nay” - đại diện Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập bức xúc...

Rối như canh hẹ

Với mục đích tạo ra hành lang pháp lý để thực hiện yêu cầu đổi mới toàn diện giáo dục đại học Việt Nam từ nay đến năm 2020, các nhà quản lý bậc học này thống nhất cần sớm thông qua Luật Giáo dục đại học (GDĐH). Đây cũng là dịp để các nhà quản lý cùng lắng nghe ý kiến của các trường để có được bộ luật phù hợp sớm đi vào đời sống khi mà hệ thống giáo dục đại học trong nước còn nhiều lộn xộn cả về định hướng hoạt động lẫn chất lượng và cách thức quản lý.

Đưa ra đánh giá về dự thảo Luật GDĐH, bà Trần Thu Hà, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Hòa Bình cho biết mặc dù Ban soạn thảo đã đưa ra đến bản dự thảo thứ 5 nhưng điều bức xúc nhất hiện nay là hệ thống giáo dục đại học Việt Nam như thế nào, mô hình tổ chức ra sao thì Ban soạn thảo vẫn chưa làm rõ được. Ông Lê Viết Khuyến, Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập nhận định “hiện nay chúng ta đang rối loạn về hệ thống đại học, bởi vì có quá nhiều loại hình trường đại học, thậm chí đại học trong đại học, văn bản nêu ra còn khá mập mờ với ĐH, Học viện, trường ĐH, ĐH vùng, ĐHQG, CĐ... trong khi các nước chỉ có 3 loại ĐH, Học viện, CĐ. Với phân loại này thì các ĐHQG, ĐH vùng... chỉ thực hiện sứ mệnh của nó chứ không phải là một trong những loại trường được đưa vào luật...”. 

Ông Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng trường ĐH FPT cho rằng hệ thống giáo dục trong nước chia ra quá nhiều loại hình và cần thiết phải tái cơ cấu hệ thống giáo dục theo mô hình các nước tiên tiến như 10+2 trong đó 10 năm dành cho học phổ thông sau đó có thể học cao đẳng nghề, còn nếu muốn học ĐH thì thêm 2 năm dự bị ĐH. Ông Tùng tỏ ra lo ngại, nếu hệ thống giáo dục không rõ ràng sẽ dẫn tới chồng chéo giữa Luật Dạy nghề, Luật Giáo dục và Luật GDĐH.

Cần sự rành mạch

Cùng với mong muốn rành mạch về hệ thống giáo dục, vấn đề tự chủ của các trường song song với quản lý nhà nước cũng gây nhiều tranh cãi. Ông Lê Viết Khuyến cũng cho rằng hiện nay trường kêu Bộ GD-ĐT vẫn duy trì cơ chế “xin - cho”, Bộ thì cho rằng nếu Bộ không can thiệp các tường tự làm sẽ loạn. “Cả hai bên đều có lý do cơ chế hiện nay chỉ có Bộ và trường, không có vai trò của bên thứ 3 là các tổ chức đại diện cho xã hội đóng vai trò giám sát hoạt động của các trường thông qua cơ chế như kiểm định, kiểm toán. Ở các nước thì đây là các đơn vị độc lập. Tôi làm việc ở Bộ 20 năm và thấy rằng Bộ làm sao thẩm định được chương trình của tất cả các trường khi chỉ có từ 5 - 7 chuyên viên duyệt chương trình của hàng trăm trường thì làm sao chất lượng được? Bây giờ Bộ còn phân cấp việc này về cả cho Sở GD-ĐT địa phương. Bộ còn không làm được thì Sở GD-ĐT làm thế nào?”. Ông Khuyến khẳng định, Bộ GD-ĐT phải trao quyền tự chủ thực sự chứ không nên nhầm lẫn với việc phân cấp quản lý cho các cấp thấp hơn ở địa phương. 

Bên cạnh đó, việc chưa kiểm soát được những tiêu cực đang diễn ra trong khối trường ngoài công lập còn được lãnh đạo các trường ĐH phân tích về việc thiếu rõ ràng, minh bạch về cơ chế lợi nhuận và phi lợi nhuận trong GDĐH. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới sự kém sức hút đầu tư xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục. Theo ông Lê Trường Tùng, các nhà hảo tâm sẽ chỉ đầu tư cho các trường hoạt động phi lợi nhuận vì nếu không số tiền này sẽ bị chia về cho các nhà thành lập trường vì mục tiêu lợi nhuận. Tuy nhiên, việc chưa xác định rõ đâu là hoạt động lợi nhuận - phi lợi nhuận nên các trường chịu khá nhiều thiệt thòi. Cụ thể, theo ông Tùng, những trường có lợi nhuận nhưng lại sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư cho giáo dục thì không nên đánh thuế. 

Ông Lê Viết Khuyến cũng cho rằng, lâu nay chúng ta vẫn ta thán về việc doanh nghiệp chỉ tài trợ cho bóng đá, giải trí mà quay lưng lại với giáo dục chính là vì sự thiếu rành mạch trong cơ chế hoạt động của giáo dục để thấy rõ mục đích của ngành giáo dục là đầu tư cho tương lai vì vậy mọi người dân, doanh nghiệp đều cần có trách nhiệm với giáo dục đại học nói chung.
Theo ANTĐ - Bảo Anh
Các bài khác:
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

0 nhận xét:

Speak up your mind

Tell us what you're thinking... !

Tư vấn Quản trị - Tiếp thị - Thương hiệu

Nhà tài trợ

 
TOP