Marketing online:

Home » , , » Việt Nam: “Doanh nghiệp “chết” là thường”

Việt Nam: “Doanh nghiệp “chết” là thường”

Đăng bởi: Quý Hải | Nhà tư vấn on 8 thg 10, 2011 | 10/08/2011

picture
Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội,
ông Nguyễn Đức Kiên - Ảnh: Anh Quân.
[Marketing3k.vn] Con số 48.700 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động hoặc không có hoạt động phát sinh thuế trong 9 tháng năm 2011, được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh thông tin tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, đã gây ấn tượng về những khó khăn nền kinh tế đang gặp phải.

Song, câu chuyện của gần 5 vạn doanh nghiệp kể trên, liệu còn có thể nhìn nhận ở một số khía cạnh khác của đời sống kinh tế Việt Nam? Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, ông Nguyễn Đức Kiên, cùng VnEconomy đã có cuộc trò chuyện.

Chưa phản ánh đúng thực tế

Trong bối cảnh tăng trưởng của nền kinh tế chững lại, gần đây Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết trong 9 tháng năm 2011 đã có gần 5 vạn doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động hoặc không có hoạt động phát sinh thuế. Ông nghĩ sao về con số này?

Đó là con số rất "đẹp"... Tôi tin rằng con số thống kê ấy chưa phản ánh đúng thực trạng hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh khó khăn 3 năm liên tiếp vừa qua của kinh tế thế giới và của nước ta. 

Bởi vì, bình thường số lượng doanh nghiệp phải đóng cửa, phá sản, dừng kinh doanh hoặc chuyển đổi của nước có nền kinh tế thị trường được công nhận và ổn định hơn nước ta trong bối cảnh tương tự, thì cũng phải khoảng 10% trong một năm.

Cũng phải lưu ý rằng, người ta nói khoảng 10% doanh nghiệp dừng lại là theo mục tiêu ban đầu khi thành lập doanh nghiệp của người ta thôi, nó bao gồm cả phá sản, chấm dứt hoạt động, chuyển sang kinh doanh ngành nghề khác. Thí dụ có doanh nghiệp làm xây dựng, đến thời điểm này thôi không làm nữa, chuyển sang đăng ký ở ngành dịch vụ chăm sóc nhà cao tầng nên số công nhân xây dựng sẽ phải giảm và có thêm một số người lao động của các ngành nghề khác được tuyển dụng.

Mình phải nhìn việc giải thể, chuyển đổi ấy nó rất là bình thường. Trong một nền kinh tế thị trường đang tiến lên thì cạnh tranh là phải có đào thải. Nhưng chúng ta còn là nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa, chấp nhận có doanh nghiệp đào thải nhưng phải tạo dựng cơ hội cho người ta lập thân, lập nghiệp, không đẩy người lao động ra đứng đường. Đấy mới là quan trọng.

Với tỷ lệ doanh nghiệp giải thể ít như vậy, có vị chuyên gia cũng nói với tôi rằng, không khéo là do sức cạnh tranh của nền kinh tế kém nên sự đào thải mới thấp như vậy. Như vẫn có những cửa hàng tạp hóa nhỏ ở sát nách siêu thị Metro và BigC…

Doanh nghiệp của mình cũng không hẳn là doanh nghiệp hoạt động theo định nghĩa kinh tế học trong nền kinh tế thị trường. Mà của mình nó giống như là các cá nhân tham gia hoạt động, vì phần lớn là doanh nghiệp gia đình.

Bây giờ cứ phân ra, trong số 527 nghìn doanh nghiệp hiện đã đăng ký với các sở kế hoạch địa phương, tỷ lệ doanh nghiệp gia đình có dưới 10-15 người làm việc là rất nhiều. Cứ nhìn ngay ở Hà Nội thôi, một nhà hàng bán giải khát, đa phần là gia đình tự làm. Thế thì hôm nay họ bán giải khát, mai chuyển sang bán cơm, bán phở… Việc chuyển đổi đó rất là uyển chuyển.

Còn bảo là tính cạnh tranh của mình cao, hay môi trường kinh doanh của mình hợp lý chưa thì chắc là chưa. 

Không vận động thì sẽ chết

Nhìn rộng ra cả nền kinh tế, các phân tích khoa học cho thấy nền kinh tế tăng trưởng ngày càng dựa vào vốn. Dường như là có sự lãng phí nguồn lực, theo nghĩa là chưa được khơi vào những nơi có hiệu suất cao...

Thực tế quy luật phát triển thì mọi nền kinh tế đều phải qua giai đoạn như vậy chứ. 

Nhưng mình tại sao đến bây giờ thấy nó thấp? Vì đầu tư về vốn là nó đến giới hạn rồi, hết tác dụng. Cho nên chúng ta hay nói, phát triển theo chiều rộng đã đến ngưỡng, buộc phải phát triển theo chiều sâu.

Nó là quy luật phát triển, nhưng nếu anh không nắm được quy luật, nhìn thấy điểm đáy để anh “vớt đáy” lên, để thành chữ U thì đấy là nền kinh tế khủng hoảng. Còn anh “vớt” được hình chữ V thì đấy là phải chuyển đổi nền kinh tế. 

Chúng ta nhìn lại, năm 1986, khi chúng ta thực hiện Chỉ thị 100 trong nông nghiệp, khoán 10, chúng ta bung tất cả các thứ ra, thì từ một nước thiếu lương thực, đến năm 1988-1989 chúng ta bắt đầu dư lương thực và năm 1991 bắt đầu xuất khẩu gạo. Thế nhưng, đến giờ chúng ta phải chững lại rồi. 

Có tăng lên được quá 10 triệu tấn không? Không. Có làm mãi 3 vụ được không? Không. Chúng ta nên dừng lại ở ngưỡng xuất từ 7-10 triệu tấn gạo/năm và phải quay trở lại, gạo chúng ta ăn phải dẻo, thơm, hạt gạo phải dài, phải nâng cao chất lượng hạt lúa lên, phải có gạo cho người tiểu đường, ít calories… 

Nền kinh tế nó phải có những bước chuyển mình. Nếu không thì anh sẽ chết.

Với những lưu ý của ông đối với hạt gạo Việt Nam, tôi hiểu là bắt đầu từ giai đoạn này nó sẽ phải là giai đoạn cho những ý tưởng kinh doanh mới?

Đúng vậy. Nếu các nhà quản trị doanh nghiệp mà phân tích kỹ, lắng nghe ý kiến của chuyên gia kinh tế thì đây là thời điểm ấy, dù đã là hơi muộn. Mình nói thời điểm bắt đầu chuyển đổi là từ năm 2007.

Bây giờ, chúng ta hãy nhìn lại dư địa thời gian chúng ta còn theo WTO. Nó phải lấy thời điểm ấy làm khống chế. Như thế, dư địa của mình để đổi mới về thời gian đang bị co hẹp, trừ đi từ năm 2007. 

Cho nên, năm 2007 mình vẫn nói là thời điểm tốt nhất để chuyển đổi, và năm 2009 là năm thiên thời, địa lợi, nhân hòa để chúng ta chuyển đổi. Nhà nước bỏ vốn ra, chưa có năm nào mà điều kiện tiếp cận tín dụng lại thuận lợi như vậy. 

Cả nền kinh tế 8 tỷ USD bỏ ra để thúc đẩy kinh tế là cực kỳ lớn. Gần 8% GDP chỉ để hỗ trợ phát triển mới là tuyệt vời. Thế mà nhiều doanh nghiệp chưa tận dụng được. Tiếc ở chỗ ấy.

Ở giai đoạn này, như ông nói là nảy sinh ý tưởng kinh doanh mới, tôi xin quay ngược trở lại chuyện ban đầu, sẽ phải chấp nhận nhiều hơn doanh nghiệp chết đi là chuyện bình thường?

Quan điểm cá nhân tôi, số lượng doanh nghiệp doanh nghiệp giải thể, đóng cửa sẽ phải tăng lên. Nhưng cái tăng cơ học ấy sẽ được bù đắp cơ học bởi doanh nghiệp mới sinh ra. Điều ấy là bình thường. Cái quan trọng mình cần quan tâm là quá trình họ dừng hoạt động như thế thì công nợ và hậu quả để lại cho nền kinh tế như thế nào.

Chứ còn việc các doanh nghiệp đóng cửa, chuyển đổi mục đích kinh doanh là chuyện rất bình thường. Và trong một nền kinh tế thị trường, mỗi năm có khoảng 10% là “thay máu”. Để mà nếu sau 7 năm, hết một đời đầu tư thiết bị mà anh không đầu tư tiếp thì buộc phải đóng cửa. Xã hội nó phải đào thải cực kỳ lớn như thế.

Điển hình như ở Mỹ hiện nay, hãng Apple đã có thời từng "chết" dần. Dưới thời Steve Jobs thì Apple đưa ra được ra được iPod, iPhone, iPad... thì lại trở thành “lừng lững” ngay.

Chúng ta cũng vậy thôi, không vận động thì sẽ chết. Đừng hỏi tại sao Microsoft to như thế vẫn cứ phải đi mua những doanh nghiệp khác để nhập vào. Như thế để tăng sức cạnh tranh và tạo áp lực nội bộ trong doanh nghiệp, nếu không tự hòa nhập với nhau thì khi mua rồi cả hai sẽ cùng chết. Nó là áp lực nội tại trong doanh nghiệp.

Chuyện đào thải, thị trường sẽ tự quyết 

Ông nói đến áp lực nội tại và đào thải của nền kinh tế. Cũng nhân ông đã từng quản lý cả khối doanh nghiệp xi măng, xin nhắc lại chuyện vừa qua hàng loạt doanh nghiệp ngành này lỗ nặng, nhà nước phải trả nợ thay. Tôi thấy khó hiểu là có những doanh nghiệp đã được bảo lãnh từ năm 1998, 2000 đến giờ lại sinh lỗ, tức là quá giai đoạn 7 năm phải đổi mới công nghệ như ông nói, nhưng sao không cho đóng cửa luôn, hoặc thay đổi chủ sở hữu bằng bán vốn, hoặc thay “hệ điều hành” mà cứ phải nuôi “cục nợ” như thế?

Cũng phải xem lại ở các dự án ấy, xem vay bằng ngoại tệ nào? Hay từ tỷ giá USD năm 1998 đến tỷ giá năm 2011 này như thế nào? Nó có rất nhiều vấn đề phải xem xét cụ thể từng dự án một.

Nhưng có những ví dụ về vấn đề đào thải thị trường. Nhìn lại, toàn bộ nhà máy đường chúng ta nhập khẩu từ Trung Quốc cho chương trình 1 triệu tấn đường, thì hiện nay còn nhà máy nào còn tồn tại? Lịch sử đã đào thải, anh không nói nó cũng buộc phải đóng cửa, cũng phải di dời. Hay nhà máy xi măng lò đứng bây giờ còn bao nhiêu đang hoạt động? Anh không xử lý thì xã hội nó cũng đào thải. Đó là vấn đề của thị trường.

Ví dụ xi măng Hệ Dưỡng xưa là điển hình của công nghiệp địa phương (Hà Tây cũ - PV), nhưng đến bây giờ làm gì còn tên tuổi nữa đâu. Tức là, chúng ta hãy để cho thị trường làm những việc nó có thể làm.

Còn mình, vấn đề bây giờ vướng ở chỗ, mình không xác định vai trò của Chính phủ, lúc nào là vai trò điều hành nhà nước, lúc nào là vai trò của chủ doanh nghiệp của mình. Can thiệp là cần thiết, nhưng can thiệp lúc nào, vai trò gì ở lúc nào, thì đấy là cái khó hiện nay.

Chúng ta quay trở lại vấn đề của Vinashin. Tại sao không tuyên bố phá sản? Bởi vì ông chủ không tuyên bố phá sản. Mà một trong ba điều kiện để doanh nghiệp phá sản, theo Luật Phá sản là ông chủ sở hữu tuyên bố phá sản; người lao động không được trả nợ lương buộc thực hiện phá sản; ba là chủ nợ không thu hồi được thì buộc tiến hành phá sản.

Nhưng đây, chủ nợ thì đồng ý tái cơ cấu; người lao động thì đề nghị hỗ trợ để tiếp tục giữ nghề và phát huy truyền thống doanh nghiệp; chủ sở hữu đồng ý hỗ trợ, giữ lại để đảm bảo mục tiêu của tôi. Thế thì tại sao mình ở ngoài cứ bảo nó phá sản? Đấy là mình mang tư duy của thời bao cấp áp đặt vào kinh tế thị trường.

Nhân nói về doanh nghiệp nhà nước lỗ mà không chịu “nghỉ”, trên nhiều diễn đàn gần đây nổi lên chuyện Bộ Tài chính và Công Thương tranh luận giá xăng dầu, trong đó người ta nói đến việc lâu nay xã hội trông đợi thành viên Chính phủ có những tuyên bố và điều hành như ông Bộ trưởng Vương Đình Huệ, doanh nghiệp lỗ có thể nghỉ, hay một lãnh đạo ở vị trí nào đó thấy khó làm tròn trách nhiệm thì nhường “ghế” người khác…

Đúng. Lâu nay chúng ta vẫn làm thế chứ, không có gì mới. Nhiều doanh nghiệp nhà nước nghỉ cả chứ. Từ Nghị quyết 03 khóa 9 về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quản lý nhà nước thì từ bấy đến giờ khác hẳn. 

Thí dụ Lilama là một thương hiệu nổi tiếng, nhưng đến bây giờ nếu đứng một mình thì Lilama có trụ được trong kinh tế thị trường không? Trong đấu thầu EPC đòi hỏi đồng bộ như hiện nay thì Lilama tiếp tục đứng một mình được không? Không. Buộc anh phải chuyển đổi, phải hòa mình vào một tập đoàn lớn, tập đoàn Sông Đà.

Đó là điển hình của sức ép quốc tế đối với kinh tế trong nước. Không ai nói và chúng ta cứ lẳng lặng làm.

Có những doanh nghiệp chúng ta thấy, ví dụ như xi nghiệp vận tải thủy bộ của các tỉnh thì bây giờ làm gì còn nữa? Xem còn bao nhiêu doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực vận tải ôtô? Chỉ còn có 4 xí nghiệp hiện thực hiện nhiệm vụ công ích thôi, còn lại toàn là doanh nghiệp của các thành phần kinh tế khác đấy chứ. Đấy cũng chính là doanh nghiệp nhà nước không làm được thì nghỉ. Chúng ta đã thực hiện nhiều chứ.

Làm rõ đâu là chính trị, đâu là kinh doanh

Ông có nói còn những nhầm lẫn vai trò trong can thiệp điều hành doanh nghiệp nhà nước, trong cơ chế thị trường thì việc “sắm vai” của nhà nước tới đây sẽ phải như thế nào?

Chúng ta xác định rõ đã có thời kỳ dường như còn nóng vội, muốn đẩy nhanh quá trình hội nhập, thị trường hóa, chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa sang nền kinh tế thị trường. Chúng ta có mâu thuẫn là muốn chuyển nhanh nhưng không được phép sốc. Đấy là mâu thuẫn của chúng ta trong quá trình thực hiện chuyển đổi nền kinh tế.

Thế thì luật pháp chúng ta cho phép chuyển đổi rất nhanh, nhưng khi điều hành thì thấy ảnh hưởng quá lớn đến các vấn đề an sinh xã hội, làm chúng ta phải từ từ nới ra. Đấy là mâu thuẫn. Thế cho nên, sắp tới phải điều chỉnh, giao vốn cho ai thì đi kèm trách nhiệm và có giám sát. 

Lúc đầu, khi sửa Nghị định 86 về chức năng, nhiệm vụ, bộ máy các bộ, cơ quan ngang bộ theo Luật Tổ chức Chính phủ 2003, chúng ta bỏ phần bộ là đại diện chủ sở hữu các doanh nghiệp nhà nước. Nhưng sau vụ Vinashin, chúng ta mới thấy không có ai chịu trách nhiệm khi xảy ra sự kiện đi mua tàu Hoa Sen cả. 

Vì theo phân cấp, tập thể Hội đồng Quản trị Vinashin được quyết định. Trị giá con tàu có hơn 1 nghìn tỷ đồng thôi mà Hội đồng Quản trị có thể duyệt được đến 2 nghìn tỷ đồng. Thế thì 1 nghìn tỷ đồng thuộc thẩm quyền của họ. 

Nhưng khi mua xong, chúng ta mới thấy một cái buồn cười là họ lại lấy tập thể Hội đồng Quản trị ấy biểu quyết để đi tiêu tiền của ông khác. Đấy mới là cái chúng ta đang phải xử lý. Tức là tôi giao cho ông quyền được quyết định khoản tiền này, nhưng sau một hồi, ông biến tiền tôi giao thành tiền của ông. Ông tự tung tự tác, làm gì thì làm, xong rồi bảo "em" nhầm. Một câu rất thiếu trách nhiệm như thế. 

Cho nên, đó là cái chúng ta đang phải sửa. Chúng ta từng bộ một phải có một cơ quan chuyên quản các doanh nghiệp trong lĩnh vực của mình, đồng thời cơ quan ấy không những quản về vốn còn hỗ trợ doanh nghiệp trong định hướng phát triển, công nghệ nào phải ưu tiên đầu tư cho phù hợp chiến lược ngành, con người nào đủ tin cậy để chúng ta giao khối tài sản của mình. 

Nó phải là cơ quan tham mưu cho chủ sở hữu về lĩnh vực ấy, tiến tới dần dần thị trường hóa thị trường lao động, trong đó có thị trường nhân lực quản trị doanh nghiệp. phải có cơ quan đại diện chủ sở hữu ký hợp đồng với người điều hành doanh nghiệp, đi kèm là quyền lợi và trách nhiệm được luật hóa.

Như hiện nay là mình dở. Tức là không phải tiền của ông nhưng được giao quản lý tự nhiên thành tiền của ông. Nó khác với các nước khác, có truyền thống công nghiệp hàng trăm năm. Người điều hành không có cổ phần trong doanh nghiệp, mà có cổ phần thì cũng không thể nào chiếm chi phối trong doanh nghiệp ấy được. Người ta có thể chỉ chiếm 1-2% cổ phần nhưng được cổ đông bầu thì có quyền lợi, trách nhiệm liên quan. 

Nếu người ta vi phạm những điều hợp đồng đã ký với chủ sở hữu, tức là đại diện cổ đông thì đời ông coi như là tàn. Không những phải đền bù thiệt hại về mặt kinh tế mà ông coi như sẽ mất việc luôn, không bao giờ được ai ký hợp đồng lao động trên cương vị CEO của doanh nghiệp mà chỉ có đi làm “cu li”. Nó đánh vào lòng tự trọng của con người rất lớn. Chúng ta chưa làm được thế. Tôi nghĩ trong 5 năm tới sẽ phải làm được như thế.

Còn chuyện phân bổ nguồn lực sao cho hiệu quả trong xã hội. Hiện người ta vẫn nói đầu tư nhà nước hiệu quả kém. Nếu theo thị trường thì vấn đề này sẽ điều chỉnh ở góc độ nào?

Phải làm rõ đâu là doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ chính trị, đâu là hoạt động kinh doanh. Cái ấy là phải nói rõ. Thí dụ như điện chẳng hạn, tôi nói rõ 30 hay 50 số đầu của tất cả các công tơ trên đất nước là giá ưu đãi, bán dưới giá thành sản xuất điện, còn lại lũy tiến theo giá cao.

Người tiêu dùng chỉ biết giá điện là 6 hay 7 cent và nhà nước 4,2 cent cho các số đầu. Anh biết được thế thì cứ dùng, còn tùy anh dùng điện mặt trời hay gì đó. Người tiêu dùng cũng không cần biết anh điện lực có tỷ lệ thủy điện bao nhiêu, nhiệt điện than bao nhiêu. Cái ấy không phải trách nhiệm của người tiêu dùng, tại sao lại quay ra ép doanh nghiệp ép dùng thủy điện, không được dùng nhiệt điện than, trong khi cơ cấu an ninh năng lượng quốc gia phải khác.

Chúng ta giải quyết được bài toán ấy thì mới trả giá điện về thị trường được. Phần giá điện rất rõ, ông có bao nhiêu công tơ điện thì bấy nhiêu nhà nước phải bù lỗ cho ông. Thì tự nhiên nó rành mạch ngay. 

Tôi quy định ông bán 7,2 cent tức là 5 hay 7 năm nữa nhà máy hết khấu hao thì toàn bộ lợi nhuận ông thu được phải nộp về nhà nước. Hết khấu hao tức là ông đủ tiền xây nhà máy mới. Nhà nước sẽ làm động tác chi thêm 10% để anh đầu tư nhà máy sản xuất với công suất tương đương nhưng công nghệ mới. Sau 25-30 năm sau thì nhà máy này tôi sẽ đóng cửa vì không đảm bảo hệ số tiết kiệm năng lượng và môi trường. 

Mình hiện nay cứ lẫn lộn hết, rồi lại “ăn cả vào thịt”.

Còn chuyện cổ phần hóa, lâu nay, chúng ta vẫn nói cần đẩy nhanh để tạo “sức chiến đấu” cho doanh nghiệp nhà nước. Thực tế là cứ luẩn quẩn mãi, không thể thoát được giữa lựa chọn làm nhanh nhưng có thể thất thoát phần nào đó tài sản nhà nước, với việc cứ trì trệ mãi trong hoạt động của các doanh nghiệp…

Có những cái đúng là không thoát ra được lối nghĩ cũ. Chúng ta xem, học kinh tế thị trường và học cái ngày hôm nay của nó mà quên rằng xuất phát điểm ngày hôm nay của nó với xuất phát điểm hôm nay của mình chênh nhau hàng trăm năm. Nên áp của nó vào mình thì "chết" hết.

Các nước Đông Âu chuyển đổi rất nhanh, trong có một đêm chuyển xong toàn bộ doanh nghiệp nhà nước. Bán bao nhiêu thì bán, nhưng phải trả cho nhà nước. Trung Quốc và Việt Nam giống nhau, bán một phần để tăng vốn. Theo tôi, nếu cứ bán 5%, 10% mỗi năm thì dễ.
Theo VnEconomy - Anh Quân
Các bài khác:
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

0 nhận xét:

Speak up your mind

Tell us what you're thinking... !

Tư vấn Quản trị - Tiếp thị - Thương hiệu

Nhà tài trợ

 
TOP