Học marketing - Năm 1973, Gary Kildall viết hệ điều hành phần mềm cho máy tính cá nhân có tên là CP/M. Năm 1980, IBM bắt đầu hướng đến việc phát triển máy tính cá nhân vì họ thấy được một thị trường tiềm năng trong lĩnh vực này.
Ngay sau đó, IBM tiếp cận Kildall với ý muốn sử dụng sản phẩm của ông như một phần cốt lõi trong sản phẩm mới của họ. Tuy vậy, Kildall không mấy nhiệt tình với ý tưởng này. Huyền thoại của Thung lũng Silicon nói rằng anh thà bay trên chiếc phi cơ mới của mình và rơi xuống còn hơn là ngồi chung thuyền với IBM.
Nản lòng trước thái độ bất hợp tác của Kildall, IBM đã chuyển hướng sang hệ thống phần mềm khác - họ tìm đến Bill Gates, người đồng sáng lập ra một công ty nhỏ có tên là Microsoft cùng với Paul Allen. Gates đã tạo ra hệ điều hành MS-DOS (thật ra nó được viết dựa trên một phần của CP/M). Và sau cùng, Gates đã đặt bút ký kết thỏa thuận, cho phép IBM cài đặt phần mềm của Gates trong các máy tính cá nhân của IBM, và sau đó hệ điều hành hiện diện trong 95% máy tính cá nhân trên toàn thế giới.
Trước khi Internet thực sự bùng nổ vào năm 2000, Bill Gates đã là người giàu nhất thế giới (1996 - 2007) với tài sản lên đến hàng chục tỷ đôla. Hiện nay Gates đã rút lui khỏi Microsoft và dốc sức vào các hoạt động từ thiện nhưng ông vẫn được xem là huyền thoại trong lĩnh vực phần mềm máy vi tính. Còn Gary Kildall mất vào năm 1994. Ông được xem là một trong những nhà lập trình máy tính tài ba nhất thế giới nhưng lại là một người không đủ tầm nhìn về tương lai để có những bước đi chính xác trong hiện tại.
Dĩ nhiên, Gary Kildall không phải là người duy nhất không có tầm nhìn đó. Theo tạp chí American Scientist, Thomas J. Watson Sr., người sáng lập IBM, nói rằng: “Tôi nghĩ ở thời điểm này (1943) nhu cầu máy tính trên toàn thế giới có lẽ chỉ cần khoảng 5 máy là đủ”. Vào năm 1951, Douglas Hartree, một nhà toán học xuất sắc tại Đại học Cambridge, đã tạo ra chiếc máy phân tích vi phân đầu tiên (tiền thân của loại máy tính hiện đại) ở Anh. Nhưng ông cho rằng không một ai cần dùng những chiếc máy này cho công việc của họ hoặc có thể có đủ tiền để mua chúng. Nếu cả Thomas lẫn Douglas có tầm nhìn như Bill Gates, rất có thể họ mới chính là những người đã tạo nên lịch sử trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Nhà bán hàng bậc thầy Mỹ - Zig Ziglar tâm sự: "Tôi đang nói với bạn về những điều tốt đẹp trong hiện tại để làm nền tảng vững chắc cho tương lai. Khi tôi viết quyển sách này, tôi đã ở vào tuổi bát tuần, đã trải bao thăng trầm và nếm nhiều đắng cay ngọt bùi của cuộc đời. Giờ đây, tôi muốn chia sẻ những kinh nghiệm quý báu mà tôi đã chắt lọc trong suốt vài chục năm qua để giúp bạn sống một đời viên mãn. Đó chính là lý do tôi thấy mình có đủ tư cách trở thành tiếng nói từ tương lai của bạn, chia sẻ với bạn những điều tôi biết, những tinh hoa của cuộc đời.
Tôi không dám nói rằng cuộc sống của mình đã viên mãn nhưng tôi dám chắc là mình hiểu được cuộc sống viên mãn là như thế nào, cách thức vươn đến ra sao. Và tôi thực sự rất muốn chia sẻ, nhắc nhở và thúc đẩy tất cả các bạn hướng về phía trước. Tôi tin rằng nếu bạn thực hành những điều tôi vừa trình bày với bạn, tương lai của bạn sẽ khác biệt hoàn toàn - thành công hơn, hạnh phúc hơn, viên mãn hơn! Bạn sẽ có một tầm nhìn đúng đắn về tương lai để nắm chắc vận hội của mình, để có một nền tảng vững chắc ngay hôm nay và có thể thụ hưởng thành quả ở ngày mai.
Nhiều người thường hỏi tôi rằng họ sẽ thay đổi điều gì trong cuộc sống của mình nếu họ được quay trở lại thời thanh niên. Tôi xin phép được mượn câu trả lời của một người phụ nữ mà tôi đã gặp cách đây nhiều năm - cô ấy bảo rằng mình sẽ không thay đổi bất kỳ điều gì cả, vì nếu thay đổi, cô ấy có thể sẽ không ở nơi mà cô ấy đang đứng bây giờ, nơi mà cô ấy yêu thích nhất. Đó cũng là điều mà tôi tâm niệm với tư cách là người phát ngôn cho tương lai của bạn - nếu bạn yêu cuộc sống với tất cả trái tim, tâm hồn và lý trí, thì cuộc sống này sẽ đáp lại bạn bằng những điều tốt đẹp như thế.
Sự viên mãn không thể có được khi ta chỉ gắng sức vun vén cho riêng mình. Có nghĩa là, một khi bạn giúp người khác đạt được ý nguyện và hạnh phúc thì bạn sẽ nhận được sự mãn nguyện và hạnh phúc. Và khi tôi xem đó như là sứ mệnh của đời mình, tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc trong việc động viên và thúc đẩy người khác khám phá ra mục đích sống thực sự của họ để sống có ý nghĩa và để lại di sản cho đời sau.
Chính vì xem đó như là sứ mệnh của đời mình nên tôi đã dồn mọi tâm sức, nhiệt huyết, niềm đam mê để thực hiện. Bất kể bạn làm nghề gì thì tất cả những gì bạn cần phải làm là tìm thấy mục đích sống của mình, nỗ lực thực hiện nó và trải nghiệm một cuộc sống trên cả tuyệt vời. Đó là một cuộc hành trình kéo dài đến suốt đời, một con đường thiên lý, một cuộc sống vĩnh hằng.
Tiến sĩ Tony Campolo cho rằng quá khứ của chúng ta rất quan trọng vì nó mang ta đến nơi mà ta đang đứng hôm nay. Quá khứ quan trọng là thế, nhưng nó gần như không quan trọng bằng cách mà bạn nhìn vào tương lai của mình, vì việc bạn nhìn vào tương lai sẽ xác định suy nghĩ của bạn ngày hôm nay. Và để có một tương lai xán lạn, bạn cần phải bắt đầu ngay từ hôm nay, ngay từ lúc bạn mở ra một chương mới trong cuộc đời mình.
Tôi còn nhớ có một hôm vào những năm đầu khi tôi mới bước vào nghề diễn thuyết, tôi đến diễn thuyết thay cho Tiến sĩ Norman Vincent Peale vì ông ấy bị ốm. Những người có mặt hiển nhiên đã rất thất vọng vì họ phải lắng nghe một kẻ vô danh như tôi thay vì Tiến sĩ Peale nổi tiếng của họ. Dù vậy, tôi vẫn không cảm thấy áp lực đè nặng mà cố gắng thể hiện hết khả năng của mình. Sau buổi diễn thuyết, một người phụ nữ đứng tuổi tiến lại gần tôi và hỏi về vật thay thế mà tôi có đề cập trong bài thuyết trình của mình. Thay vì giải thích cho bà về điều này, tôi đã kể cho bà nghe một câu chuyện ngắn.
Câu chuyện của tôi quay ngược thời gian vào lúc tôi còn là một cậu bé hiếu động, thích chơi bóng trong giờ giải lao ở trường tiểu học. Lúc đó, một cậu bạn cùng lớp không may đá quả bóng vào cửa sổ làm vỡ một ô cửa kính. Cô giáo của chúng tôi đã phải cắt một mảnh giấy cứng để lấp vào ô kính đó. Vì thế, tôi bảo với bà ấy rằng tôi giống như một tấm kính thay thế cho Tiến sĩ Peale. Với thiện ý và sự mãn nguyện hiển hiện trên gương mặt, bà hồ hởi đáp: “Vậy thì, ông Ziglar ạ, tôi không nghĩ ông là một tấm giấy cứng thay thế đâu. Tôi nghĩ ông thật sự là ‘một tấm kính có thật’”.
Những lời nói của bà dẫu rất hình tượng, nhưng tôi vẫn nghĩ về nó trong sự liên hệ với sứ mệnh đời mình. Thực sự, tôi muốn làm một điều gì đó có ý nghĩa để bạn soi rọi và hướng đến một tương lai tươi sáng, một cuộc sống tốt đẹp hơn. Vì thế, tôi muốn đến gần bạn hơn - tôi đến từ tương lai của bạn để khuyến khích bạn, van nài bạn hãy nhận lấy món quà hào phóng mà cuộc sống đã ban cho chúng ta. Đó là tình yêu thương, là lòng bác ái. Một khi bạn nhận được món quà vô giá này, bạn cảm thấy như có một động lực phi thường để hoàn thành những công việc hằng ngày, tìm thấy và vươn đến mục đích cuộc đời; bạn cảm thấy yêu thương những người xung quanh như yêu chính bản thân mình.
Hôm nay, tôi muốn nói với bạn rằng tương lai của bạn sẽ rất tuyệt vời nếu bạn bước vào đó ngay từ giây phút này để giao hòa với mọi người, với cuộc sống. Đừng để lỗ hổng trong tâm hồn bạn ngày càng mở rộng. Hãy lấp đầy nó bằng lòng yêu thương và tình nhân ái để sống một cuộc sống mà bạn hằng mơ ước.
Chúc các bạn sớm đạt đến một cuộc sống “Trên cả tuyệt vời”.
Trích cuốn sách "Vươn tới sự hoàn thiện"
0 nhận xét:
Speak up your mind
Tell us what you're thinking... !