Marketing online:

Home » , , , » Dạy - học môn Lịch sử: Cần "thay da đổi thịt" (*)

Dạy - học môn Lịch sử: Cần "thay da đổi thịt" (*)

Đăng bởi: Quý Hải | Nhà tư vấn on 10 thg 8, 2011 | 8/10/2011

[Marketing4u.vn] Những câu hỏi yêu cầu luôn luôn là thuộc lòng, ghi nhớ máy móc theo kiểu "tra tấn thông tin" vô tình làm cho học sinh "tụng kinh" lịch sử trong thời đại văn minh số của thế kỷ XXI.

(*) Các môn khác cũng nên "thay da đổi thịt" trong đợt lần này luôn, "Lịch Sử phải chính xác, trung thực, chính sử đừng như phim ảnh toàn giả sử, hư cấu, thêm bớt,... Triều đại nào, hoàng đế nào thống nhất đất nước, mở mang bờ cõi nước Việt? Xin hỏi các "Sử gia" thời nay dám đặt vấn đề này ra bàn hay chỉ né tránh và chỉ nói lý luận linh tinh. Nếu làm được thì hậu thế mới noi gương học chính sử." Ý kiến của trang blog marketing3k.vn.

Sự nặng nề của sách giáo khoa môn Lịch sử, sự nhàm chán của hoạt động dạy- học tại các trường phổ thông đang làm cho chất lượng dạy học môn Lịch sử... rơi tự do. Theo quan điểm cá nhân tôi, cả mục tiêu, nội dung, phương pháp và đánh giá chất lượng giáo dục môn Lịch sử đều có vấn đề. Kết quả điểm thi môn Lịch sử tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay đã bộc lộ rõ những căn bệnh "nội tại" từ lâu lắm rồi của giáo dục phổ thông.

Học sinh "tụng kinh" Lịch sử?

Thứ nhất, mục tiêu của môn học nặng về tái hiện thông tin, buộc ghi nhớ gượng ép, máy móc. Học môn Lịch sử từ tiểu học lên tận... đại học, một yêu cầu "cốt tử" là sự nhớ thông tin. Vô số thông tin về quá trình hình thành, phát triển của sự vật hiện tượng, của sự kiện, nhân vật kế đến là vô số số liệu, thời gian, địa điểm... buộc não bộ phải ghi nhớ đến mức thuộc được nó.

Đó là sức ép rất lớn đối với người học, chưa kể đến sự mâu thuẫn, tranh cãi về những vấn đề sự chưa thống nhất của các nhà sử học. Tại sao phải nhớ thuộc lòng những thông tin chi tiết về số liệu, thời gian và diễn biến của lịch sử? Trong khi, những thông tin đó tràn ngập trên internet, sách, báo và tạp chí khác. Vì thế, cần xem xét lại mục tiêu của môn học này? Thuộc lòng những thông tin của lịch sử hay là lịch sử giúp con người làm chủ được quy luật vận động của tự nhiên, xã hội và tư duy?

Thứ hai, nội dung dạy học môn Lịch sử chưa phù hợp. Chương trình môn Lịch sử của các bậc học trùng lắp, chồng lấn nhiều nội dung, bậc học cao hơn buộc người học nhớ thông tin nhiều hơn. Theo tôi, yếu tố chưa phù hợp của nội dung sách giáo khoa là cách tiếp cận biên soạn.

Phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử được sử dụng một cách tối đa cho nhiều trình độ giáo dục phổ thông và bậc đại học để phân kỳ lịch sử. Thực tế rằng, đó là phương pháp luận đúng đắn và được sử dụng phổ biến trong sử học.

Tuy nhiên, các tác giả cần lưu ý rằng, phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử đòi hỏi người học có khả năng khái quát rất cao, người học phải có bộ óc "đủ lớn" - yếu tố độ tuổi làm tiền đề vật chất để lĩnh hội được lịch sử.

Do đó, dẫn đến tình trạng học sinh phổ thông ngao ngán môn Lịch sử. Bên cạnh những mặt tích cực của phương pháp luận này, đó là giúp người học nhận biết được sự vận động, phát triển của xã hội loài người, thì nó có hạn chế nhất định đó là không tìm hiểu sâu sắc được về danh nhân. Dẫn đến tình trạng học sinh ngày nay không biết danh nhân lịch sử của đường phố mình ở là ai. Đây là một thực trạng, các nhà khoa học và nhà quản lý giáo dục cần thiết nghiên cứu kỹ lưỡng.

Thứ ba, phương pháp và đánh giá giáo dục lạc hậu. Về phương pháp dạy học môn Lịch sử, xin dẫn theo lời của Giáo sư Đinh Xuân Lâm trên báo Tuổi Trẻ ngày 01.8.2011 như sau: "Lâu nay chúng ta vẫn sử dụng phương pháp giảng dạy theo lối áp đặt. Cả Bộ Giáo dục lẫn người dạy sử đều quan niệm sử là môn học thuộc lòng. Thầy vào lớp không có không gian sáng tạo, hoàn toàn phụ thuộc SGK, đến câu hỏi trên lớp cũng được ấn định sẵn trong SGK.

Kiến thức được truyền thụ theo lối từ trên xuống dưới. Học sinh tiếp thu cũng bị động nên không chút hào hứng. Nói tóm lại, dạy và học sử trên lớp là công việc thụ động cả hai chiều".

Còn phần đánh giá giáo dục đối với môn Lịch sử thể hiện bằng công tác kiểm tra trên lớp, kiểm tra định kỳ, thi học kỳ cũng lạc hậu tương xứng với phương pháp dạy học. Những câu hỏi yêu cầu luôn luôn là thuộc lòng, ghi nhớ máy móc theo kiểu "tra tấn thông tin" vô tình làm cho học sinh "tụng kinh" lịch sử trong thời đại văn minh số của thế kỷ XXI.

Thế thì làm sao tạo được động lực cho học sinh yêu môn Lịch sử?

Cần "thay da đổi thịt" cách dạy- học

Trước hết, cần thay đổi mục tiêu dạy học môn Lịch sử. Môn Lịch sử chỉ trở nên hấp hẫn khi học sinh nhận biết được quá khứ đang tồn tại trong hiện tại và còn hiện diện trong tương lai. Môn Lịch sử có sứ mệnh là giải đáp "trầm tích lịch sử". Đối với từng bậc học, mỗi trình độ khác nhau, chúng ta giúp người học hiểu được từng "lát cắt trầm tích" khác nhau phù hợp với khả năng nhận thức của các em.

Để phù hợp với mục tiêu thì nội dung sách giáo khoa phải thay đổi cách tiếp cận cho từng đối tượng người học. Thay vì học sinh trung học cơ sở phải học giai đoạn, thời kỳ lịch sử thì chúng ta nên giúp các em biết được những nhân vật lịch sử: Ví dụ lịch sử Việt Nam, chúng ta nên dạy về nhân vật lịch sử Hùng Vương, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn ...

Lâu nay chúng ta vẫn sử dụng phương pháp giảng dạy theo lối áp đặt. Cả Bộ Giáo dục lẫn người dạy sử đều quan niệm sử là môn học thuộc lòng. Thầy vào lớp không có không gian sáng tạo, hoàn toàn phụ thuộc SGK, đến câu hỏi trên lớp cũng được ấn định sẵn trong SGK.
Kiến thức được truyền thụ theo lối từ trên xuống dưới. Học sinh tiếp thu cũng bị động nên không chút hào hứng. Nói tóm lại, dạy và học sử trên lớp là công việc thụ động cả hai chiều.



Thay vì lịch sử thế giới học sinh phải học về cách mạng tư sản Mỹ (1776) cả tích cực và hạn chế của nó thì chúng ta hãy dạy cho học sinh biết về George Washington, Abraham Lincoln, ... phù hợp với trình độ nhận thức của các em hơn.

Xin được nói về quyển Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim là một điển hình tiêu biểu. Nếu gạt bỏ những hạn chế không thể tránh khỏi của sử học phong kiến thì cách viết Việt Nam sử lược là một cách tiếp cận tiêu biểu để thay đổi cách biên soạn sách giáo khoa phổ thông hiện nay, đặc biệt rất phù hợp với trung học cơ sở.

Còn những vấn đề có tính chất lý luận, khái quát và cách tiếp cận theo phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử ở trình độ cao hơn là trung học phổ thông và bậc đại học các em sẽ được học.

Nếu thực hiện theo cách tiếp cận này, tin rằng sẽ không còn tình trạng học sinh không biết danh nhân tên đường phố mình ở và môn Lịch sử sẽ trở nên nhẹ nhàng, phù hợp và không trùng lắp đối với người học.

Về đổi mới phương pháp dạy học, chúng ta đã bàn luận nhiều về quan điểm lấy người học làm trung tâm. Tuy nhiên, quan điểm này vẫn còn ì ạch đối với bộ môn Lịch sử. Cần có sự thay đổi mạnh mẽ về phương pháp dạy học, trước hết, yêu cầu trình độ của giáo viên phải không ngừng nâng cao, kế đến là biết vận dụng linh hoạt nhiều phương pháp dạy học trong tiết dạy. Về lâu dài, cần nâng cao chất lượng đào tạo của các trường sư phạm, nơi đào tạo giáo viên dạy lịch sử.

Không thể thiếu là thay đổi cách đánh giá về môn học này. Giáo viên nên giảm những yêu cầu học sinh theo dạng thuộc lòng, "tra tấn thông tin", hướng đến những yêu cầu gắn liền với hiện tại và bản thân học sinh. Ví dụ: Yêu cầu học sinh những câu hỏi dạng như "trình bày" thì chúng ta nên hỏi "nếu em là nhân vật", "em học được những gì từ nhân vật", "thời kỳ lịch sử đó ảnh hưởng như thế nào đối với đời sống hiện nay", ...

Chất lượng dạy học môn Lịch sử phổ thông đang báo động. Thực tế đã rõ ràng không cần bàn cãi. Bài viết không có tham vọng tìm giải pháp hoàn chỉnh cho vấn đề này. Hy vọng rằng, sau kết quả tuyển sinh năm nay, xã hội quan tâm nhiều hơn đối với môn Lịch sử nói riêng và khoa học xã hội nói chung, những môn này đã từ lâu gần như đã bị ghẻ lạnh và không được quan tâm đúng mức
Theo TVN - Tác giả: TRẦN THANH NHỰT
(*) Các môn khác cũng nên "thay da đổi thịt" trong đợt lần này luôn, ý kiến của trang blog marketing3k.vn, "Lịch Sử phải chính xác, trung thực, chính sử đừng như phim ảnh toàn giả sử, hư cấu, thêm bớt,... Triều đại nào, hoàng đế nào thống nhất đất nước, mở mang bờ cõi nước Việt? Xin hỏi các "Sử gia" thời nay dám đặt vấn đề này ra bàn hay chỉ né tránh và chỉ nói lý luận linh tinh. Nếu làm được thì hậu thế mới noi gương học chính sử."

Các bài khác:
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

0 nhận xét:

Speak up your mind

Tell us what you're thinking... !

Tư vấn Quản trị - Tiếp thị - Thương hiệu

Nhà tài trợ

 
TOP