Marketing online:

Home » » Mô hình nào cho ĐH tư thục Việt Nam (II)?

Mô hình nào cho ĐH tư thục Việt Nam (II)?

Đăng bởi: Quý Hải | Nhà tư vấn on 25 thg 7, 2012 | 7/25/2012

[Học marketing] Phương án tối ưu nhất hiện nay là xây dựng hành lang pháp lý nhằm tạo điều kiện cho việc thành lập khối các cơ sở đại học tư thục hoàn toàn "không vì lợi nhuận".

Đặc biệt phải có quy định rõ ràng về trách nhiệm xã hội và giải trình của trường thông qua hành lang pháp lý của nhà nước, các quy chế thích hợp về thành viên của hội đồng quản trị, tức không để cho nhà đầu tư hoặc cổ đông góp vốn khống chế hoạt động của hội đồng quản trị.


Xâu xé lẫn nhau bởi đều vì... lợi nhuận

Ở Việt Nam, theo thống kê, trong khoảng 10 năm (từ 2000 đến 2010), quy mô của các cơ sở GDĐH ngoài công lập tăng từ 22 trường lên 81 trường. Trong khi các cơ sở công lập tăng từ 156 trường lên 331 trường.

Trong 81 trường ĐH, CĐ ngoài công lập, số sinh viên là 254.370, chiếm 14,7% tổng số sinh viên cả nước[1]. Trong những năm gần đây, nhiều cơ sở GDĐH tư thục gặp khó khăn trong việc thu hút sinh viên- gây ấn tượng xã hội không tốt về khu vực ngoài công lập do chỉ tuyển được sinh viên có chất lượng... kém.

Theo GS. Trần Hồng Quân, các cơ sở GDĐH tư thục thường được xem là "con nuôi" trong khi trường công lập là "con đẻ". Hơn nữa, có sự cạnh tranh không bình đẳng giữa khối công lập và tư thục vì Nhà nước hỗ trợ khoảng 70% chi phí đào tạo cho trường công trong khi trường tư lại không nhận được hoặc nhận được rất ít sự tài trợ[2].

Mặt khác, trong khi các cơ sở GDĐH công lập phải theo mức học phí qui định của Nhà nước thì các cơ sở tư thục lại được quyền xác định mức học phí của riêng mình (các trường tư chỉ được yêu cầu công khai mức học phí cho xã hội biết).

Thực tế cho thấy do tất cả các cơ sở GDĐH tư thục ở Việt Nam đều là "vì lợi nhuận" nên rất khó để Nhà nước, hoặc thông qua các Bộ, ngành hay UBND cung cấp cho các cơ sở này nhiều hỗ trợ ngoài một số ưu đãi hiện có.

Ngoài ra, bởi vì các cổ đông khi bầu các thành viên của hội đồng quản trị thường đại diện cho lợi ích của nhà đầu tư, và Nhà nước không đóng vai trò chính thức trong ảnh hưởng đến việc ra các quyết định ở trường ĐH tư thục nên việc các nhóm lợi ích xâu xé lẫn nhau bởi tất cả đều "vì lợi nhuận" là điều khó tránh khỏi.

Trong khi các cơ sở GDĐH công lập và tư thục chật vật cạnh tranh và mâu thuẫn lẫn nhau vì lợi ích, thì các trường 100% vốn đầu tư của nước ngoài lại... sống khỏe.

Một ví dụ tiêu biểu là Trường ĐH RMIT. Nhóm các trường này được tự chủ rất cao về các lĩnh vực như quản trị nhà trường, tuyển chọn nhân sự, sinh viên, tài chính ..., trong khi các cơ sở GDĐH Việt Nam gặp nhiều khó khăn do hạn chế về quyền tự chủ, kể cả 2 ĐH Quốc gia vốn được quyền tự chủ cao hơn các trường ĐH công lập khác.


Sự khác biệt này tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các cơ sở GDĐH trong nước và quốc tế. "Ngao sò tranh nhau, ngư ông đắc lợi" là điều dễ thấy.

Việt Nam hiện vẫn chưa có qui định pháp lý nào cho phép thành lập các cơ sở GDĐH "không vì lợi nhuận" để có thể dễ dàng hơn trong việc thu hút nguồn tài trợ từ Nhà nước cũng như thu hút các tài trợ tư nhân từ các "mạnh thường quân" và các nhóm như Việt kiều.

Cũng như không có sự hiểu biết sâu rộng về mô hình "phi lợi nhuận" vốn phổ biến ở các nước Đông Á. Mô hình này trên thực tế được hình thành từ các trường ĐH tư hàng đầu của Mỹ.

Trong khuôn khổ của mô hình này, không có các cổ đông cá nhân và vì thế không có việc chia lợi nhuận cho bất cứ cá nhân nào. Tất cả phần lợi nhuận thu được đều tái đầu tư cho cơ sở GD sau khi trừ chi phí thật sự như đã nêu ở Nhật (chứ không phải chi phí... ảo như ở Việt Nam).

Về cơ chế giám sát, QĐ số 61/2009/QĐ-TTg chỉ đề cập 1 phần nhỏ về cơ chế giám sát và thanh tra các cơ sở GDĐH tư thục. Quyết định này để các trường tự điều hành các hoạt động theo các điều kiện hoạt động của họ.

Việc này dẫn đến nhiều rủi ro, đặc biệt là QĐ cho phép các nhà đầu tư toàn quyền quyết định các thành viên của hội đồng quản trị. Theo tác giả Thanh Loan[3], chính bởi những sự nhập nhèm trong quy chế và luật định nên hiện tượng mua bán trường ĐH tư thục đang trở thành vấn đề nhức nhối hiện nay.

Mặc dù nhận ra những bất cập trong QĐ số 61/2009/QĐ-TTg và QĐsố 63/2011/QĐ-TTg về vấn đề "lợi nhuận" và "phi lợi nhuận" nhưng dự thảo Luật GD ĐH (Quốc hội thông qua vào tháng 6/2012 vừa qua) lại không đưa ra rõ qui định về cơ sở GD ĐH tư "phi lợi nhuận" mà chỉ đưa ra 2 phương án (điều 64)[4]:

"1. a) Dành tối thiểu 25% để đầu tư cho hoạt động GD xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, viên chức, cán bộ quản lý giáo dục, phục vụ cho hoạt động học tập và sinh hoạt của người học hoặc cho các mục đích từ thiện, thực hiện trách nhiệm xã hội. Phần này được miễn thuế theo quy định của pháp luật về thuế.

b) Phần còn lại, nếu phân phối cho các nhà đầu tư và người lao động của cơ sở GDĐH, thì phải nộp thuế theo quy định của pháp luật.

2. a. Cơ sở GDĐH tư thục dành tối thiểu 20% doanh thu của nhà trường và được miễn thuế phần này theo quy định của pháp luật về thuế để tái đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị.

b. Phần đầu tư cho hoạt động GD- ĐT, bồi dưỡng giảng viên, viên chức, cán bộ quản lý GD, phục vụ cho hoạt động học tập và sinh hoạt của người học, hoặc cho các mục đích từ thiện, thực hiện trách nhiệm xã hội thì được miễn thuế theo quy định của pháp luật. Phần phân phối cho nhà đầu tư và người lao động thì phải nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế".

Qui định "phần phân phối cho nhà đầu tư và người lao động thì phải nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế" 1 lần nữa cho thấy các trường ĐH tư thục hoạt động không khác gì...1 công ty tư nhân.

Như trên đã đề cập, chính vì hoạt động như 1 công ty nên bài toán tranh giành lợi ích giữa các nhà đầu tư, cổ đông góp vốn và nhà giáo luôn âm ỉ và sẵn sàng bùng phát.

Mô hình nào cho ĐH tư thục Việt Nam?

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, việc né tránh khái niệm "vì lợi nhuận" hay "không vì lợi nhuận" trong GD nói chung dường như là nguyên nhân chính khiến cho khoảng 15 năm nay việc triển khai mô hình ĐH ngoài công lập ở Việt Nam luôn gặp trở ngại.

Vì vậy, nên chăng, tạm thời xem xét xây dựng mô hình trường tư "một phần vì lợi nhuận" hay có "lợi nhuận thích hợp". Theo mô hình này thì sẽ khống chế lợi nhuận của cổ đông góp vốn. Lợi nhuận của trường sẽ chia lãi theo tỷ lệ lãi suất ngân hàng, còn lại sẽ là tài sản sở hữu cộng đồng[5].

Một khả năng khác là xây dựng mô hình hoàn toàn "vì lợi nhuận" nhưng phải chịu mức thuế hoàn toàn giống như các doanh nghiệp. Tuy nhiên, do GD là 1 sản phẩm hàng hóa đặc biệt theo hướng "cận thị trường" (quasi-market) dưới sự giám sát và điều tiết của Nhà nước nên không thể bỏ mặc cho thị trường quyết định.

Do đó, phương án tối ưu nhất hiện nay là xây dựng hành lang pháp lý nhằm tạo điều kiện cho việc thành lập khối các cơ sở ĐH tư thục hoàn toàn "không vì lợi nhuận". Phương án này cho đến nay vẫn chưa được xem xét tích cực ở Việt Nam, mặc dù ở các nước Đông Á và trên thế giới, mô hình "không vì lợi nhuận" này là phổ biến.

Thí dụ như ở Trung Quốc, các cơ sở "không vì lợi nhuận" bao gồm tổ chức công dân được thành lập tự nguyện nhằm đạt được các mục tiêu chia sẻ (như các tổ chức từ thiện và các viện nghiên cứu).

Các cơ sở tư nhân sử dụng tài sản của Nhà nước nhưng được thành lập các tổ chức phi lợi nhuận (trường học, bệnh viện, viện bảo tàng, và các cơ sở nghiên cứu khoa học) cùng với các tổ chức được thành lập với nguồn quỹ hiến tặng nhằm đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, GD, văn hóa, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường hoặc xóa đói giảm nghèo.[6]

Chính phủ có thể hỗ trợ quá trình phát triển các cơ sở giáo dục tư nhân này bằng cách vinh danh các "mạnh thường quân" và bằng cách miễn giảm thuế hoàn toàn cho họ cũng như cung cấp các quỹ tài trợ ngân sách tương ứng (chẳng hạn như Nhà nước đồng tài trợ, cung cấp một số đầu tư ban đầu, hay đấu thầu các dự án nghiên cứu và phát triển).

Đặc biệt phải có quy định rõ ràng về trách nhiệm xã hội và giải trình của trường thông qua hành lang pháp lý của nhà nước, các quy chế thích hợp về thành viên của hội đồng quản trị, tức không để cho nhà đầu tư hoặc cổ đông góp vốn khống chế hoạt động của hội đồng quản trị.

Nên chăng Nhà nước bổ nhiệm các thành viên độc lập bên ngoài vào hội đồng quản trị nhằm cân bằng quyền lực với các nhà đầu tư), cùng với các hoạt động kiểm định chất lượng và kiểm toán của các cơ quan quản lý nhà nước và sự tham gia giám sát của toàn xã hội[7].

Đây sẽ là cơ sở cho việc xây dựng và phát triển một nền GDĐH tư thục mạnh, đáp ứng yêu cầu hiện Nghị quyết số 14/2005 của TTCP trong việc đổi mới và làm lành mạnh hóa nền GDĐH nước nhà.
-------------------------------------
[1] http://dantri.com.vn/c25/s25-586632/dh-cong-lap-va-dan-lap-canh-tranh-khong-binh-dang.htm
[2] Như 9
[4] Không rõ bản dự thảo Luật cuối cùng được Quốc hội thông qua chọn phương án nào trong hai phương án trên.
[6] Ngân hàng Phát triển Châu Á (2011). Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa: Hệ thống quản lý và cơ chế pháp lý cho các tổ chức phi chính phủ. Báo cáo hỗ trợ kỹ thuật. Đề án số: 45515, p. 1
[7] Trích từ Qui hoạch Tổng thể cho Giáo dục Đại học Việt Nam (tài liệu chưa xuất bản).
-------------------------------------
Theo TVN (Đào Văn Khanh)
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

0 nhận xét:

Speak up your mind

Tell us what you're thinking... !

Tư vấn Quản trị - Tiếp thị - Thương hiệu

Nhà tài trợ

 
TOP