[Đào tạo & tuyển dụng] Những trường ĐH tốt nhất là những trường có động lực nội tại trong việc tự cải thiện để trở thành tốt hơn nữa. Nó phải thực hiện những trách nhiệm rộng lớn hơn nhiều, bao gồm nghiên cứu, giảng dạy, phục vụ cộng đồng, có những cơ chế nội tại để khích lệ chất lượng và sự ưu tú.
Trong vòng hơn một thập niên gần đây, hội chứng xếp hạng đại học (ĐH) đã lan ra khắp mọi châu lục, làm biến đổi chiến lược và cách xử sự của các trường theo một cách không phải lúc nào cũng có lợi cho người học và cho xã hội.
Thái độ phản kháng trong giới hàn lâm đối với xếp hạng ĐH ngày càng rõ, bởi chắc chắn là các tiêu chí xếp hạng hiện nay chỉ đo lường được một phần nhỏ những gì là một trường ĐH thật sự tốt.
Tháng 11-2013, GS John Douglass (UC Berkeley, Mỹ) tới dự hội thảo quốc tế tiêu chí đánh giá các hệ thống giáo dục quốc gia tại Thượng Hải (Trung Quốc) với một ý tưởng mà ông khiêm tốn gọi là “đề xuất thăm dò” nhằm thay đổi mô hình ĐH từ “thứ hạng cao” sang “có ý nghĩa thiết yếu với xã hội”. Giới học giả nhiều nước đã có phản ứng tích cực với ý tưởng này.
“Có thứ hạng cao” và “thiết yếu với xã hội”
“ĐH đẳng cấp quốc tế (ĐCQT)”, một khái niệm có thể xem là sản phẩm của các bảng xếp hạng, ám ảnh các nhà lãnh đạo, những người làm chính sách và lãnh đạo các trường ĐH lớn trong những quốc gia và những nền kinh tế mới nổi trong thập kỷ qua, một phần là do họ ý thức được tầm quan trọng của trường ĐH đối với nền kinh tế tri thức, và phần khác là do bị chi phối bởi ý muốn thể hiện niềm tự hào quốc gia.
Tuy nhiên, theo GS Douglass, bên cạnh những phương pháp đáng ngờ, các bảng xếp hạng toàn cầu còn tạo ra những mục đích không thể nào đạt được đối với phần lớn các trường đang có tham vọng ấy. Khoảng 10-25 trường ĐH hàng đầu được công nhận hầu như trong tất cả các bảng xếp hạng. Danh sách này rất ít thay đổi trong mấy thập kỷ qua và rất ít khả năng sẽ thay đổi nhiều trong tương lai. Nó là một nhóm rất nhất quán trong các bảng xếp hạng nổi tiếng nhất.
Ngầm định rằng một trường ĐH ĐCQT là một trường được xếp hạng trong số 50 hay thậm chí 100 trường ĐH hàng đầu thế giới trong một số bảng xếp hạng ĐH toàn cầu được công nhận, chỉ là một trò chơi có tổng bằng không, mà người này được thì người kia phải mất.
Có một sự thật là nhóm các trường tinh hoa luôn ngự trị trên đỉnh các bảng xếp hạng này mà chưa bao giờ đặt mục tiêu giành lấy vị trí ấy. Đối với Việt Nam, mục tiêu có một trường ĐH ĐCQT chắc chắn không đạt được trong tương lai gần, và dù có đạt được đó cũng không thể nào là mục tiêu hay mô hình cho tất cả trường ĐH trong hệ thống.
GS Douglass mượn từ “hoa tiêu” (Flagship - một thuật ngữ của ngành hàng hải, có nghĩa là con tàu dẫn đường) để đưa ra mô hình “ĐH hoa tiêu” nhằm thay thế.
Theo đó, ĐH hoa tiêu có các đặc điểm: (1) Tạo ra cơ hội tiếp cận ĐH rộng rãi, tức là mở cửa cho mọi công dân bất kể nơi chốn, nguồn gốc xuất thân hay địa vị kinh tế, xã hội; (2) Gắn với phục vụ cộng đồng và phát triển kinh tế; và (3) Mang tính chất dẫn đầu: các trường ĐH hoa tiêu công có trách nhiệm giúp xác lập chuẩn mực và xây dựng những khu vực khác trong hệ thống giáo dục nhà nước.
Một trường ĐH tốt sẽ tốt bất kể nó đặt trên mảnh đất hay quốc gia nào, nghĩa là nó phải chia sẻ một số đặc điểm phổ quát mà nếu không có nó thì tổ chức ấy không còn có thể được coi là trường ĐH theo ý nghĩa truyền thống nữa. Nhưng đặc điểm chính trị, văn hóa và lịch sử của từng nước có một tác động to lớn đến mức những điều có thể xem là đương nhiên ở nơi này lại là bất khả với nơi khác.
Vì vậy, chúng tôi tập trung vào một số đặc điểm cốt lõi khiến một trường ĐH Việt Nam trong bối cảnh hiện nay trở thành “thiết yếu với xã hội” - một mô hình mà các trường cần hướng tới thay vì tìm cách tham gia trò chơi xếp hạng, bởi việc theo đuổi trò chơi này trong bối cảnh thực lực còn yếu sẽ chỉ kích thích thêm căn bệnh thành tích vốn đã quá nặng, không ích lợi bao nhiêu cho người học cũng như cho xã hội.
Có ba khía cạnh để một trường ĐH trở thành thiết yếu cho xã hội:
(1) Xây dựng năng lực tư duy:
Một trường ĐH tốt là một tổ chức học thuật mang lại được một môi trường nội bộ có thể nuôi dưỡng tinh thần học tập, sự sáng tạo, khám phá và làm nảy nở, làm phát triển mọi tiềm năng của sinh viên. Những trải nghiệm trong một môi trường như vậy tạo ra những kinh nghiệm và kỹ năng mà sinh viên hầu như khó lòng đạt được bên ngoài nhà trường. Nó là điều tối cần thiết để nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp, dám nghĩ dám làm, dám chấp nhận rủi ro và vượt qua thất bại.
Một môi trường truyền cảm hứng, cởi mở với việc tìm kiếm tri thức, khích lệ việc thách thức những lối mòn và định kiến, kích thích những cọ xát trí tuệ và thúc đẩy rèn luyện kỹ năng truyền thông giao tiếp để trở nên trưởng thành là điều khiến các khóa học từ xa hay trực tuyến không thể thay thế cho việc học ở trường ĐH.
(2) Gắn bó với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước:
Một trường ĐH tốt phải bắt rễ được và góp phần dẫn dắt sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước mình. Một trường ĐH tốt không thể đứng ngoài những giá trị phổ quát và dòng chảy tri thức toàn cầu, nhưng trước hết nó phải đáp ứng những đòi hỏi thực tế của người dân, của xã hội, phải đưa ra những giải pháp có căn cứ cho những vấn đề cần giải quyết trong thực tế, giúp làm tăng năng suất và năng lực cạnh tranh của quốc gia.
Điều này có thể được thực hiện thông qua các nghiên cứu cơ bản hay ứng dụng về những đề tài thiết yếu với địa phương, với quốc gia; thông qua chuyển giao công nghệ, tư vấn chính sách và phục vụ cộng đồng. Mỗi đất nước, trong từng giai đoạn cụ thể, sẽ có những nhu cầu cụ thể cần được đáp ứng để có thể tiến lên một bước mới, không nhất thiết chỉ là nhu cầu về khoa học, tri thức, kỹ thuật và công nghệ, mà còn là nhu cầu về đối thoại chính sách.
Một trường ĐH tốt sẽ tạo điều kiện và khích lệ giảng viên, sinh viên của mình tham gia vào quá trình phát triển năng động của địa phương qua nhiều hình thức phong phú.
(3) Gắn bó với doanh nghiệp và thế giới việc làm.
Đã qua rồi cái thời các trường ĐH được xem là tháp ngà và có thể theo đuổi tri thức mà không cần quan tâm đến việc những tri thức ấy sẽ có ý nghĩa gì trong thực tế (dù nhân loại sẽ vẫn cần các trường và các nhà khoa học theo đuổi tri thức vì bản thân tri thức, khoa học tiến lên được chính là nhờ trí tưởng tượng kiểu đó). Đại đa số các trường ĐH sẽ cần phải gắn bó chặt chẽ với các doanh nghiệp, với thế giới việc làm, với thực tế xã hội - những chủ thể đã mang lại cuộc sống và sức sống cho các trường.
Đó là một quá trình hai chiều. Một mặt, việc nghiên cứu những vấn đề cụ thể nhằm cải thiện năng suất của doanh nghiệp, đào tạo lực lượng bậc cao cho nhu cầu chuyên môn và quản lý của thế giới việc làm sẽ là điều cốt yếu cho thấy những đóng góp quan trọng của nhà trường cho xã hội và người học.
Mặt khác, nó mang lại những lợi ích rất cụ thể và to lớn cho nhà trường: mở rộng nguồn lực tài chính thông qua hợp đồng nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đào tạo ngắn hạn, huấn luyện nghiệp vụ cho các doanh nghiệp. Nó cũng giúp nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập của nhà trường thông qua tham vấn xây dựng chương trình, giao lưu với các chuyên gia, hướng dẫn thực tập.
Một điểm yếu của các trường ĐH Việt Nam, do tồn tại phần lớn nhờ học phí, là nhìn sinh viên như những “khách hàng” mà không thấy “khách hàng” thật sự của họ là thị trường lao động. Sinh viên là sản phẩm của nhà trường và thị trường lao động mới là người tiêu thụ sản phẩm ấy.
Làm cách nào để tạo ra những trường ĐH tốt?
Một trường ĐH được định nghĩa bởi phẩm chất của những người làm việc cho nó, và nhất là người lãnh đạo nó. Trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay, nhiều trường ĐH, nhất là ĐH ngoài công lập, bắt đầu có ý thức tầm quan trọng của việc thu hút tài năng.
Tuy nhiên, có hai điều rất đáng tiếc đang diễn ra: một là, các trường chú trọng đến những yếu tố bề ngoài, như “quốc tịch ngoại” hay học hàm học vị, hơn là chú trọng thực chất. Điều này phản ánh một tư duy “ăn xổi ở thì”, dùng vẻ hào nhoáng bên ngoài để che lấp những yếu kém bên trong. Nhiều trường đã quá chú trọng “tỏ ra là tốt” thay vì chú trọng “làm cho mình trở thành tốt thật sự”.
Những thứ “tỏ ra là tốt” có thể thu hút người học vào trường, nhưng nếu không có thực chất thì nó không mang lại giá trị gia tăng cho người học, và một sinh viên tốt nghiệp không có gì ngoài tấm bằng sẽ không thể đáp ứng được đòi hỏi của thế giới việc làm.
Điều đáng tiếc thứ hai là các trường chưa tạo ra thiết chế phù hợp để người tài đóng góp cho nhà trường. Thu hút tài năng rất quan trọng, nhưng tạo một môi trường cho họ làm việc và giữ chân họ còn quan trọng hơn nhiều. Nếu người tài bị buộc phải hoạt động trong khuôn khổ những thiết chế ấy thì họ không thể tạo ra thay đổi và không thể đưa nhà trường tiến lên một đẳng cấp mới về chất lượng.
Để có được những trường ĐH tốt, điều cần làm không chỉ là vẽ ra một mô hình và gán cho nó tất cả những gì chúng ta mong muốn mà không tính đến bối cảnh thực tế và những điều kiện thực hiện... Những trường ĐH tốt, với lý tưởng là trở thành “thiết yếu cho xã hội”, sẽ là một phần không thể thiếu tạo ra sự thịnh vượng của quốc gia.
***
Các trường thường than phiền nhiều về việc bị hạn chế quyền tự chủ. Nhưng có một sự thật là ngay trong phạm vi quyền tự chủ đang có, nhiều trường đã không làm những việc khích lệ cho chất lượng do thiếu tầm nhìn và tri thức quản lý. Một nguyên nhân chính khiến các trường ngại đầu tư cho chất lượng thật là e ngại về chi phí.
Một mặt, ta cần thừa nhận là không có gì vừa rẻ vừa có phẩm chất cao. Mặt khác, ta cũng cần thấy là với cùng một ngân sách, cách quản lý khác nhau sẽ tạo ra chất lượng hết sức khác nhau.
Một ví dụ là ngân sách nghiên cứu ở các trường hiện nay tuy không lớn nhưng vẫn bị lãng phí, có bao nhiêu kết quả nghiên cứu mà trường tài trợ được sử dụng, hay phần lớn những nghiên cứu được sản xuất ra chỉ để cất vào tủ và khai báo thành tích?
***
theo Phạm Thị Ly (TTCT)
Tin bài khác:
- Hệ thống đào tạo mà ta từng biết sẽ thay đổi rất nhanh - TT
- Trường đại học Chiang Mai thu phí tham quan - TT
- Bốn trường đại học để xuất mở rộng tự chủ - TT
- Cứ giơ bằng cấp để nhận lương, chuyện sắp cũ - SM
- Học trong... sợ hãi - NLĐ
- Triết lý tiếng Việt trong ”vào Nam ra Bắc” - TT
- Gian nan bảo tồn tiếng Việt tại Mỹ - SGGP
- Viết từ nước Mỹ, nhìn về nước Việt - TT
- Đừng để các nhà nghiên cứu mong ngóng tiền - PLTP