[Tư vấn chiến lược] Môi trường kinh doanh của Việt Nam gần đây không có nhiều chuyển biến đáng kể, Việt Nam không phải là lựa chọn duy nhất của các nhà đầu tư nước ngoài.
Đây là 2 vấn đề được TS Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nêu ra khi bình luận về kết quả khảo sát được công bố bởi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI vừa qua cho thấy, có đến 54% doanh nghiệp nước ngoài (FDI) được khảo sát trước khi chọn Việt Nam đã từng cân nhắc đầu tư vào các nước như Trung Quốc (11,1%), Thái Lan (10,6%) và Campuchia (7,7%)… đặc biệt là Lào (4,13%) trong khi năm 2011, 2012 con số này khoảng 32%.
Hạn chế đủ đường
Theo đó, TS Võ Trí Thành cho biết, môi trường kinh doanh của Việt Nam trong con mắt các nhà đầu tư nước ngoài gần đây không có nhiều chuyển biến đáng kể khi dẫn báo cáo của Tổ chức Xúc tiến Thương Mại Nhật Bản (Jetro), báo cáo của Ngân hàng thế giới WB so sánh Việt Nam với nhiều nước trên thế giới và các nước trong khu vực đều thống nhất ở chỗ Việt Nam đang còn nhiều hạn chế ở vấn đề thể chế, kết cấu hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực...
TS Thành phân tích tiếp, vấn đề thứ 2 là các nhà đầu tư nước ngoài luôn có nhiều lựa chọn và chắc chắn Việt Nam không phải là điểm lựa chọn duy nhất.
Theo TS Võ Trí Thành, 2 điểm trên đây vừa có mặt tích cực vừa có mặt tiêu cực, chính sự hấp dẫn không quá vượt trội sẽ tạo sức ép buộc Việt Nam phải cải cách.
"Việt Nam phải thấy để biết thẹn và phấn đấu vươn lên, tạo áp lực để tăng cường cải cách triệt để hơn đặc biệt là cải cách thể chế, môi trường kinh doanh, sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Điều này cũng phù hợp, tương thích với ý đồ, nỗ lực hiện nay của Việt Nam là chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tập trung cải cách để các nguồn lực, nguồn vốn, kể cả đối với nguồn lực từ bên ngoài. Nó cũng phù hợp với bối cảnh Việt Nam đã và đang thực hiện các Hiệp định thương mại tự do, nhiều cam kết quốc tế ở chất lượng và yêu cầu cao hơn nhiều", TS Võ Trí Thành nói.
Về những mặt hạn chế trong quản lý và thu hút FDI của Việt Nam trong thời gian vừa qua, TS Võ Trí Thành đã chỉ ra là những vấn đề kết cấu hạ tầng, vấn đề thể chế, sự chồng chéo ở chỗ này chỗ kia và cách thuyết minh cùng một điều luật khác nhau đặc biệt là chế tài, hiệu lực thực thi và trong câu chuyện thể chế còn có vấn đề tham nhũng...
Bản chất tham nhũng theo quan niệm chung nhất là lạm dụng quyền lực và thường là trong khu vực công để mưu lợi ích riêng. TS Võ Trí Thành đặt câu hỏi rằng, khi nào họ lạm dụng hoặc có điều kiện nào để dễ lạm dụng và nhân tố nào thúc đẩy để họ lạm dụng?
Sau đó, ông lý giải, nhân tố đầu tiên là hệ thống động lực đối với công chức, vấn đề lương bổng song ông cũng cho rằng đây chỉ là khía cạnh nhỏ lý vì dù đã sống tốt rồi con người vẫn có thể tham nhũng và câu chuyện này khá phổ biến.
Nguyên nhân thứ 2 theo TS Võ Trí Thành, người ta dễ tạo tham nhũng vì họ có quyền và quyền này gắn với cơ chế xin cho.
"Tôi phải mua phải đút lót là bởi vì nếu tôi không làm vậy sẽ rất khó khăn trong việc tiếp cận một nguồn lực nào đó thông qua quyết định nào đó. Bài toán ở đây là thể chế hóa, tự do hóa để giảm bớt tình trạng này’, TS Võ Trí Thành đề xuất.
Ngoài ra, do TS Võ Trí Thành, cần có một sự giám sát rất chặt chẽ của các tổ chức xã hội, cơ quan truyền thông bên cạnh cơ quan có chức năng giám sát.
Đối với tham nhũng, ở Việt Nam là vấn đề nghiêm trọng, không còn ở vấn đề nhiều hay ít, to hay nhỏ mà nó nghiêm trọng bởi vì đôi khi trong xã hội quan niệm về vấn đề này “dễ dãi”.
“Chúng ta phải hiểu tham nhũng nhiều khi không phải to nhỏ mà là cảm nhận của xã hội về tham nhũng. Chỉ số đo cảm nhận tham nhũng có thể không đo chính xác mức độ trên thực tế của tham nhũng nhưng Việt Nam luôn luôn có cảm nhận tham nhũng nghiêm trọng và điều này nguy hiểm đối với sự đồng thuận xã hội”, TS Võ Trí Thành nói.
FDI không vào để làm từ thiện
Bên cạnh việc cải thiện môi trường kinh doanh, sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài, TS Võ Trí Thành cũng chỉ ra, Việt Nam cần phải thay đổi cách nhìn và cách thu hút đầu tư nước ngoài.
“Tức là mình vừa phải làm đẹp mình và mình vừa phải khôn hơn, thông minh hơn thông qua thay đổi tư duy để thu hút đầu tư nước ngoài”, TS Võ Trí Thành nói.
Theo TS Võ Trí Thành, Việt Nam đã qua thời kỳ đã phải tối đa hóa giá trị khối lượng trong thu hút FDI, mặc dù bằng cách này, theo một nghĩa nào đấy vẫn quan trọng nhưng quan trọng hơn là FDI phải chất lượng.
"FDI không phải vào để làm từ thiện, họ đầu tư 1 đồng về lâu dài họ phải được lợi lớn hơn con số đầu tư, rõ ràng cái họ sẽ lấy đi nhiều hơn cái họ đầu tư vào vậy mình có thắng cuộc với họ được không?
Có nhưng cái có đó chỉ khi bên cạnh vấn đề giải quyết việc làm, thu nhập họ tạo ra trong dự án của họ, nhà máy của họ thì chiến thắng của chúng ta là ở sự lan tỏa FDI về công nghệ, kỹ năng quản lý và lao động… nhiều lan tỏa sẽ mang lại lợi ích cho Việt Nam về nguyên tắc không thuộc về đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Nhưng đáng tiếc là trong thời gian vừa qua nhiều nghiên cứu chỉ ra ở một số phân khúc quản trị có sự lan tỏa về mặt kỹ năng nhưng nhìn chung lan tỏa về công nghệ là rất hạn chế”, TS Võ Trí Thành nói.
Nguyên nhân dẫn tới thực trang trên, theo TS Võ Trí Thành, ngay từ đầu, vấn đề tư duy cách lựa chọn dự án đầu tư hết sức mở cửa vì vậy ngay từ khi đánh giá ban đầu xúc tiến đầu tư gắn với quá trình mở cửa Việt Nam không đánh giá khả năng lan tỏa có thể.
TS Võ Trí Thành dẫn chứng, Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài chỉ nhìn ngành ấy, nhìn sự cạnh tranh trong nội bộ ngành đấy, ngay trong cạnh tranh cũng là cách để lan tỏa vì cạnh tranh là nhân tố tích cực cho phát triển sáng tạo nhưng đôi khi mình không nhìn đầy đủ liên kết ngược, liên kết xuôi của cả nền kinh tế, từ góc độ sản xuất kinh doanh đến tiêu dùng.
“Việt Nam nên lưu ý việc bên cạnh ưu đãi là cam kết, nhất là ưu đãi thuế vì ưu đãi thuế về cơ bản không phải điều quyết định FDI lâu dài thậm chí còn gây méo mó và không hay về mặt thể chế như tham nhũng. Quan trọng ưu đãi phải rõ ràng, minh bạch và phải gắn với cam kết chuyển giao công nghệ và điều này phải được giám sát thực “, TS Võ Trí Thành khẳng định.
TS Võ Trí Thành lấy dẫn chứng, ngành ô tô là một trong số nhiều ngành khi các doanh nghiệp nước ngoài tham gia đã nói sau 10 năm tỷ lệ nội địa hóa như thế nào nhưng bây giờ không được như vậy nhưng họ vẫn được hưởng những ưu đãi.
Theo TS Võ Trí Thành, tỷ lệ nội địa hóa gắn với chương trình đào tạo cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vì doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam đang rất yếu. Nền kinh tế của Việt Nam, phần lớn doanh nghiệp quá nhỏ, doanh nghiệp có năng lực hơn về khả năng tiếp thu, làm chủ công nghệ ít.
Đánh giá về số vốn FDI quý I/2014 giảm 50% so với năm 2013 khi chỉ thu hút hơn 3,3 tỷ USD, TS Võ Trí Thành cho hay quan trọng hơn là sau khi cam kết phải được giải ngân và thực thi trong thực tế, thậm chí giải ngân xong một dự án chưa hẳn đã quan trọng mà sau này nó tác động tổng thể, lan tỏa như thế nào.
theo Tâm An (Đất Việt)
Tin bài khác:
- Vốn FDI vào Việt Nam giảm 50%, cảnh báo thành hiện thực? - ĐV
- “Sâu trong nồi canh” ngân hàng - TBKTSG
- PGS.TS Huỳnh Văn Sơn: Rượu bia là lưỡi dao oan nghiệt! - P.times
- Sài Gòn xưa cần được bảo tồn và phát triển - TBKTSG
- ASIAD 2019: Liệu việc “xã hội hóa” có khả thi? - TGVN
- Lương Thứ trưởng 8 triệu, tôi đủ sống thoải mái - VNN