Marketing online:

Home » , , » Kinh tế Việt Nam: “Chìa khóa” giảm lạm phát

Kinh tế Việt Nam: “Chìa khóa” giảm lạm phát

Đăng bởi: Quý Hải | Nhà tư vấn on 2 thg 10, 2011 | 10/02/2011

Nhiều gói thầu của đường Hồ Chí Minh đoạn qua
 Tây nguyên phải dừng thi công do chưa bố trí được vốn
 - Ảnh: NGUYỄN CHUÔNG - báo tuổi trẻ
[Marketing3k.vn] Là hai chính sách quan trọng trong điều hành kinh tế vĩ mô nhằm mục tiêu phát triển ổn định và bền vững, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, có tác động qua lại với nhau và đến nền kinh tế. Chính sách tiền tệ chỉ có thể thành công nếu có sự phối hợp với chính sách tài khóa và ngược lại. Lý tưởng nhất là chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ phải phối hợp đầy đủ với nhau và với các chiến lược kinh tế vĩ mô khác…

Chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ là hai công cụ trọng yếu trong việc quản lý, điều tiết vĩ mô, đảm bảo cân đối thu - chi ngân sách nhà nước, ổn định tiền tệ, tăng trưởng kinh tế bền vững...

Thực trạng...

Nền kinh tế VN trong những năm qua đã phát triển lên một tầm cao mới. Nhưng cùng với sự phát triển ấy là hiện tượng lạm phát cao và kéo dài, trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức trung bình.
Lạm phát của VN hội tụ đủ các nguyên nhân: lạm phát vừa do cầu kéo, vừa do chi phí đẩy và vừa do lạm phát kỳ vọng; vừa có nguyên nhân từ yếu tố tiền tệ, vừa có nguyên nhân từ yếu tố phi tiền tệ. Đặc biệt, nhiều nguyên nhân được tích lũy từ nhiều năm qua như: Mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào mở rộng đầu tư, nhưng đầu tư lại kém hiệu quả nhất, là đầu tư công. Giá cả của nhiều mặt hàng như điện, xăng... được điều chỉnh tăng. Nới lỏng chính sách tiền tệ của những năm trước...

Chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ là hai công cụ trọng yếu trong việc quản lý,
điều tiết vĩ mô (Đồ thị: Diễn biến lạm phát của VN từ năm 2000 - tháng 8/2011)

Thực tế, lạm phát ở VN luôn vượt quá 1 con số kể từ năm 2007 đến nay (trừ năm 2009). Tính đến 9 tháng đầu năm 2011, CPI tăng 16,48% so với cuối năm 2010 cho thấy việc kiểm soát lạm phát cả năm khoảng 15-17% là khó khăn.

Việc VN được IMF đánh giá là thận trọng và phù hợp, sự phối hợp chính sách tiền tệ với chính sách tài chính đã góp phần từng bước đưa VN vượt qua được giai đoạn đầy khó khăn của thời kỳ đầu gia nhập WTO, kiểm soát lạm phát và duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức tương đối cao (năm 2008: GDP 6,23%, năm 2009: 5,32%, năm 2010: 6,78%, 6 tháng/2011: 6,57%); hoạt động tiền tệ, ngân hàng nhìn chung ổn định, thị trường ngoại tệ, vàng, tỷ giá được kiểm soát phù hợp, thanh khoản của hệ thống ngân hàng được cải thiện.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được trên thì còn có một số điểm chưa “tương thích” giữa hai chính sách:

Thứ nhất, chính sách tiền tệ phải theo đuổi quá nhiều mục tiêu và chưa có sự độc lập tương đối.

Trên thế giới, ở các nước có ngân hàng trung ương (NHTƯ) độc lập, NHTƯ được chủ động thực thi các công cụ của chính sách tiền tệ và bị cấm cho chính phủ vay không theo điều kiện thị trường, đồng thời phải có trách nhiệm giải trình trước Quốc hội và trước công chúng các quyết định của mình. Các nhà hoạch định chính sách tiền tệ phải là người chịu trách nhiệm cuối cùng của chính sách tiền tệ, và không thể bị gây áp lực làm chính sách tiền tệ đi chệch hướng. Đối với một số quốc gia theo đuổi lạm phát mục tiêu, NHTƯ chỉ thực hiện mục tiêu duy nhất kiểm soát lạm phát... 

Ở VN, tại điều 10 của Luật Ngân hàng Nhà nước VN năm 2010 có quy định: “Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định việc sử dụng công cụ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, bao gồm tái cấp vốn, lãi suất, tỷ giá hối đoái, dự trữ bắt buộc, nghiệp vụ thị trường mở và các công cụ, biện pháp khác theo quy định của Chính phủ ”. Nhưng tại Khoản 1, Điều 4 theo Luật NHNN VN 2010 quy định: “Hoạt động của NHNN nhằm ổn định giá trị đồng tiền; bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng; đảm bảo sự an toàn, hiệu quả của hệ thống thanh toán quốc gia; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Như vậy, bên cạnh nhiệm vụ kiểm soát lạm phát, thì NHNN còn có nhiệm vụ to lớn khác là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế...

Thứ hai, phối hợp chính sách trong việc kiểm soát lãi suất, ổn định thị trường tiền tệ còn nhiều hạn chế và tồn tại.

Trong những năm qua, NSNN thường xuyên thâm hụt ở mức khá cao dẫn đến sức ép tăng lãi suất trong nền kinh tế thông qua tăng lãi suất phát hành trái phiếu chính phủ. Năm 2010, lãi suất trái phiếu Chính phủ có thời điểm còn cao hơn lãi suất huy động vốn của các TCTD, gây khó khăn cho hoạt động huy động vốn của các TCTD, tạo sức ép tăng lãi suất, giảm tính hiệu lực của việc điều hành giảm lãi suất theo chủ trương của Chính phủ. Trên thực tế, Kho bạc nhà nước vẫn gửi tại NHNN ảnh hưởng lớn đến vốn khả dụng và khả năng thanh toán của NHTM.

Thứ ba, phối hợp chính sách trong việc cung cấp thông tin phục vụ cho công tác dự báo mức lạm phát còn hạn chê.

Hiện nay, chưa thiết lập được cơ chế thông tin một cách thường xuyên về các dòng vốn của thu - chi ngân sách nhà nước và các định chế tài chính do Bộ Tài chính quản lý, dẫn đến chưa thống kê và kiểm soát được một tỷ lệ đáng kể phương tiện thanh toán trong nền kinh tế. Ngoài ra, thiếu sự phối hợp chặt chẽ trong việc xác định mục tiêu dài hạn như dự báo mức lạm phát. Việc cố định mức lạm phát kế hoạch hàng năm, mà không đưa ra biên độ giao động hợp lý dẫn đến phải điều chỉnh nhiều lần, đã làm mất lòng tin đối với những cam kết đối với các nhà hoạch định chính sách.

Giải pháp cho tương lai

Trước mắt, cần tăng cường và hoàn thiện việc thu thập thông tin, phân tích thông tin và trao đổi thông tin để việc thông qua và thực hiện các chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ được chuẩn xác. Đây là khâu yếu nhất hiện nay, cần phải tăng cường sự phối hợp để đảm bảo các thông tin được cập nhật kịp thời; nhất là tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa NHNN và các bộ, ngành đặc biệt là với Bộ Tài chính trong việc công bố các số liệu quan trọng về thu - chi Ngân sách Nhà nước, các số liệu, chỉ số kinh tế vĩ mô để tiến hành lập dự toán ngân sách Nhà nước hàng năm, xác định mức độ thâm hụt ngân sách... Từ đó, NHNN và Bộ Tài chính có những thông tin qua lại rất quan trọng và cần thiết trong điều hành chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, tăng sự nhất quán trong lập và điều chỉnh chính sách tiền tệ cũng như chính sách tài khóa phù hợp với điều kiện thực tế của nền kinh tế.

Hơn nữa, thực tế cho thấy, để ổn định thị trường tiền tệ, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ cần được thực hiện theo hướng ổn định lãi suất, ổn định thanh khoản của hệ thống tài chính, phát triển các phân khúc của thị trường tài chính và phối hợp cung cấp thông tin. Để giúp ổn định thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng, Bộ Tài chính cần trao đổi thông tin kịp thời về dự kiến các khoản thu chi ngân sách, ngoài ngân sách; kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ hàng năm, hàng quý để làm cơ sở cho điều hành chính sách tiền tệ.

Ngoài ra, cần tăng cường sự phối hợp để thực hiện huy động nguồn bù đắp bội chi ngân sách, cũng như việc huy động huy động trái phiếu chính phủ cho các công trình giao thông thủy lợi trong thời gian tới, nhất là thời hạn huy động, hình thức huy động, lãi suất huy động, thời điểm huy động thông qua hình thức trao đổi, lấy ý kiến, để tránh diễn biến không có lợi trên thị trường tiền tệ, tác động xấu đến kinh tế vĩ mô.

Đồng thời, cần tiếp tục sự phối hợp để hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính – ngân sách – tiền tệ để đảm bảo phù hợp với các thông lệ quốc tế, phục vụ quá trình hội nhập trong thời gian tới. Đặc biệt là cơ chế kiểm tra, giám sát, cơ chế thanh toán không dùng tiền mặt...

Đây chính là một trong những “chìa khóa” quan trọng nhằm kiểm soát lạm phát của VN.

Theo Lê Trang - Ngân hàng nhà nước/DĐDN
Các bài khác:
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

0 nhận xét:

Speak up your mind

Tell us what you're thinking... !

Tư vấn Quản trị - Tiếp thị - Thương hiệu

Nhà tài trợ

 
TOP