Marketing online:

Giá trị cốt lõi của đại học

Đăng bởi: Quý Hải | Nhà tư vấn on 30 thg 4, 2014 | 4/30/2014

Trong ảnh: Con dấu của ĐHBologna[Đào tạo nhân sự] Ngày 18/3/2014 (*), Mạng lưới học giả Việt Nam đã tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề: Thế nào là một đại học tốt? Hẳn nhiên, để trả lời được câu hỏi này, thì phải trả lời một câu hỏi trước đó: Thế nào là một đại học? Đây là dịp để một lần nữa, giáo dục đại học lại được xới lên và mổ xẻ ở nhiều góc nhìn khác nhau, mà bài viết này là một trong số đó.

Nhìn lại một quan niệm

Tính đến nay, Việt Nam đã có hơn 400 trường Đại học và Cao đẳng, vậy mà câu hỏi hiển nhiên này: Thế nào là một đại học, vẫn chưa được thống nhất trong cách hiểu, không phải về hình thức và cách tổ chức, mà về nội dung của khái niệm này.

Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong Luật giáo dục 2012, có hẳn Điều 7 quy định về cơ sở giáo dục đại học. Theo đó, cơ sở giáo dục đại học sẽ bao gồm tất cả các trường cao đẳng, đại học, học viện, đại học vùng, đại học quốc gia, viện nghiên cứu, đại học công, đại học tư, đại học có góp vốn của nước ngoài, đại học 100% vốn của nước ngoài, cơ sở giáo dục đại học liên doanh giữa nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Quy định chi tiết này có thể gộp lại thành một mệnh đề đơn giản: Tất cả các cơ sở đào tạo bậc đại học thì được gọi là cơ sở giáo dục đại học. Tất cả các tên trường nào có chữ đại học thì đều là trường đại học!

Rõ ràng cách quy định này chỉ mang tính mô tả mà không thể làm rõ ý niệm về bản chất của một đại học hầu cho đại chúng có thể hiểu được.

Nhưng đây không phải là ngoại lệ, vì ngay cả với thế giới, thế nào là một đại học cũng vẫn là một vấn đề còn tranh cãi. Cho đến nay vẫn chưa có được sự thống nhất giữa các nhà nghiên cứu, các đại học và các chính phủ trong cách hiểu về đại học, đặc biệt là phần chức năng và sứ mệnh của nó, trong xã hội.

Trong số các ý kiến, có một xu hướng cho rằng, đại học phải là đại học nghiên cứu, nơi sản xuất tri thức và hội tụ tinh hoa. Đây là quan niệm của những đại học danh tiếng, hiện đang dẫn đầu thế giới trong các bảng xếp hạng toàn cầu. Những sinh viên và giáo sư giỏi nhất cũng thường tụ hội về những nơi này để học tập và làm việc. Đầu tư cho các trường này cũng thường lớn hơn rất nhiều so với các đại học còn lại. Và thành công, xét trên những tiêu chí phổ biến trong nghiên cứu và đào tạo, tất nhiên cũng lớn hơn các đại học khác.

Còn xu hướng khác thì ngược lại, cho rằng đại học thì phải đào tạo nhân lực có kỹ năng và tri thức để làm việc, để cung cấp nhân lực cho xã hội, còn việc nghiên cứu chỉ là phụ. Các trường này đặt sứ mệnh đào tạo đại trà làm trọng tâm hoạt động của mình.

Và hẳn nhiên ở giữa hai xu hướng này là quan niệm cho rằng, đại học thì phải vừa đào tạo và nghiên cứu. Tuy nhiên tỉ lệ thế nào thì tùy vào từng điều kiện cụ thể, đặc biệt là những điều kiện về văn hóa và nguồn lực của từng trường, từng chính phủ vận hành nó.

Ở Việt Nam, bậc học đại học được mặc nhiên hiểu là bậc giáo dục sau phổ thông, với chương trình đào tạo thường là 4 năm, hoặc hơn với một số ngành nghề chuyên biệt. Với cách hiểu đơn giản này, đại học đã bị mang tiếng là trường phổ thông cấp 4, không có một sự khác biệt nào về chất so với các bậc học trước đó.

Điều này dẫn đến hiên tượng quy giản tối đa: Đại học chỉ còn là một cái tên, chỉ một bậc học sau phổ thông, hoặc một cơ sở đào tạo sau phổ thông có gắn chữ đại học. Việc hàng loạt trường đại học tư thục, và các trường cao đẳng nâng cấp lên thành đại học, là một minh chứng cho hiện tượng này.

Với các đại học tư, có nhiều trường ra đời cả chục năm mà đến nay vẫn chưa có cơ sở riêng, nay thuê chỗ này mai thuê chỗ khác. Đội ngũ giảng viên thì chắp vá nhặt nhạnh. Tất cả những gì mà cơ sở đào tạo này có được chỉ là cái tên có chữ Đại học. Còn nội dung bên trong thì trống rỗng.

Với các trường hợp nâng cấp từ cao đẳng lên đại học, mà trước đó rất có thể trường cao đẳng đó lại được nâng cấp từ trung cấp lên, thì câu chuyện có khác đi về quy trình và cơ sở vật chất. Nhưng nếu nhìn kỹ hơn một chút, thì sau khi nang cấp, cơ sở giáo dục đó vẫn được vận hành bởi những con người đó, tức là vẫn thầy đó, trò đó, trường sở đó, nhưng dưới một cái tên mới có chữ “đại học”, thì tuy hình thức là đại học, nhưng nội dung của nó chưa phải là đại học.

Việc này không chỉ xảy ra ở các thành phố lớn, mà còn ở các địa phương và các ngành khác nhau. Mỗi địa phương đều “phấn đấu” có một đại học. Mỗi ngành cũng có mong muốn tương tự. Hiện tượng này tạo ra cảm giác tỉnh tỉnh làm đại học; ngành ngành làm đại học, mà không cần hiểu đại học là gì. Mục tiêu hướng đến là có chữ “đại học” trong tên gọi, còn nội hàm của nó ra sao thì không cần làm rõ.

Vậy thì cuối cùng, đại học là gì?

Khái niệm đại học xuất phát ban đầu từ châu Âu, với trường đại học chính quy đầu tiên là Đại học Bologna thành lập năm 1088 tại nước Ý. Chữ “đại học” được dịch từ tiếng Anh là “university”, và tiếng La tinh là “univesitas”, với nghĩa nguyên thủy của các từ này “tổng thể”, ngụ ý những điều mà đại học hướng đến là “tri thức tổng thể” hay “chân lý phổ quát”. Vì thế, ý niệm về đại học, ngay từ khi mới ra đời, đã gắn liền với việc giáo dục tri thức tổng thể, thay vì kỹ năng làm việc cụ thể. Đây chính là điểm khác biệt giữa đại học và cơ sở dạy nghề, dù thời gian đào tạo có thể là tương đương nhau.

Vì thế, sứ mệnh chung nhất của đại học chính là sứ mệnh giải phóng con người khỏi vô minh vì thiếu hiểu biết, kể cả thiếu hiểu biết về chính bản thân mình.

Cũng vì thế, bên cạnh những nội dung chuyên ngành cụ thể, thì những môn giáo dục khai phóng luôn đóng vai trò quan trọng trong chương trình giảng dạy của bậc đại học. Do vậy dù theo thời gian, cách hiểu về đại học mỗi nơi mỗi khác, và ngày càng xa nhau, nhưng việc khai khá tiềm năng và khai phóng con người chưa bao giờ xa rời các hoạt động của đại học.

Với Việt Nam, câu trả lời cho câu hỏi “Đại học là gì?” thì càng thêm rắc rối, khi chính tại đây, xuất hiện các mô hình và hệ thống đào tạo sau phổ thông không giống ai. Điển hình là mô hình Đại học quốc gia, và hệ thống trường Đảng hiện hành.

Vậy nên, khi đặt ra câu hỏi “Đại học là gì?”, cách trả lời đơn giản nhất là: Trường đại học là nơi đào tạo bậc đại học. Còn bậc đại học là bậc học sau phổ thông, có thời gian đào tạo từ 4 năm trở lên. 

Cách trả lời này tuy khó bắt bẻ nhưng không làm toát ra tinh thần của một trường đại học cần phải có. Cách trả lời này không khác nào cách nói vòng vo: Trời là Thượng đế. Thượng đế là Trời.

Nhưng có phải bất cứ cơ sở đào tạo sau phổ thông nào, với thời gian đào tạo 4 năm trở lên, cũng là đại học?

Câu trả lời là không. Nếu cơ sở đào tạo đó không toát ra được tinh thần đại học, và không có đủ nguồn lực để hiện thực hóa tinh thần đại học đó, thì không nên được coi là một đại học, dù trong tên gọi của nó có chữ này.

Vậy tinh thần đại học là gì?

Tinh thần xuyên suốt của mọi hoạt động trong đại học không gì khác hơn là tinh thần tự do học thuật. Cụ thể hơn thì đó là tự do nghiên cứu và tự do giảng dạy. Bất cứ nơi nào nuôi dưỡng và xiển dương tinh thần tự do học thuật này, thì nơi đó đều xứng đáng được gọi là đại học, dù cơ sở vật chất còn thiếu thốn.

Trong lịch sử của các trường đại học nổi tiếng thế giới, thầy và trò nhiều khi phải thảo luận trong trường lớp sơ sài. Nhưng tinh thần tự do học thuật, ít nhất là trong khuôn viên trường, luôn được cổ vũ. 

Chính tinh thần tự do đại học này đã thúc đẩy trào lưu hình thành các đại học nghiên cứu trên thế giới. Thay vì chỉ truyền bá tri thức thuần túy, đại học còn là nơi khai phá tri thức.

Và cũng chính nhờ tinh thần tự do học thuật này, mà đại học không chỉ là nơi nuôi dưỡng và xiển dương tri thức, mà còn là nơi nuôi dưỡng văn hóa. Đại học trở thành một trung tâm văn hóa, bên cạnh sự hiển nhiên về một trung tâm tri thức.

Nói thì dễ như vậy, nhưng thực hiện được lại không phải đơn giản. Vì tự do học thuật đòi hỏi phải có tự trị về quản lý, trong đó quan trọng nhất là toàn quyền tự quyết trong việc lựa chọn chương trình giảng dạy, nghiên cứu và bổ nhiệm nhân sự. Nhưng điều này thường trái ngược với mong muốn kiểm soát của chính quyền, vì nó tiềm ẩn một nguy cơ sâu xa về mầm mống chống lại lợi ích của nhà cầm quyền, khi lợi ích đó không trùng khớp với lợi ích của dân chúng. (Nguy cơ này càng dễ trở thành hiện thực khi đại học là nơi tập trung của giới trí thức tinh hoa và thanh niên trẻ đầy nhiệt huyết và đầy khát vọng thay đổi). 

Tự do học thuật, đó chính là giá trị cốt lõi của đại học. Một cơ sở đào tạo đại học nào không có được tinh thần này, hay không xây dựng được giá trị cốt lõi này, thì không xứng đáng là một đại học. Khi đó cơ sở đào tạo chỉ có cái mác là đại học, hoặc cùng lắm cũng chỉ là một cái xác không hồn, mà không phải là một đại học theo đúng nghĩa của từ này.

(*) ngày 17/03/2014 được đổi thành 18/03/2014 theo đính chính trên Blog Giáp Văn của tác giả


Tin bài khác:
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

Tư vấn Quản trị - Tiếp thị - Thương hiệu

Nhà tài trợ

 
TOP